Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ca ngợi Hiệp định TPP đã mở ra “Một kỷ nguyên mới cho Châu Á”, “Một khu vực kinh tế khổng lồ sẽ xuất hiện. TPP giúp cuộc sống của chúng ta thịnh vượng hơn”, “Thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường sức mạnh luật pháp trong các lĩnh vực kinh tế bằng việc thiết lập một hệ thống kinh tế quốc tế mở, tự do và công bằng”.
Việc Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn mới về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương là một bước đột phá để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tổng GDP khoảng 30 nghìn tỷ USD, chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu từ các quốc gia thành viên sẽ góp phần giúp GDP của Việt nam tawngt hêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian tới. TPP được đánh giá còn ưu việt hơn hẳn WTO do thiết lập được các luật quốc tế với phạm vi can thiệp sâu hơn như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động…
“Vận hội mới” cho thị trường dịch vụ pháp lý phát triển
Về mặt thể chế, tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Nhà nước ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội mới cho dịch vụ pháp lý liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển đối với những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, ví dụ như sản xuất nông sản, dược phẩm, thuốc sinh học…
Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư có thêm nhiều việc làm trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chính quyền; thúc đẩy cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Hiệp định TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao vị thế của các tổ chức dịch vụ pháp lý. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc để làm hơn cho đội ngũ Luật sư, tư vấn pháp luật, nhất là các việc liên quan đến tư vấn pháp luật đầu tư, môi trường, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh... Đặc biệt, Hiệp định TPP cam kết chặt chẽ về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, giúp các tổ chức hành nghề dịch vụ pháp luật chú trọng hơn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường.
Những cơ hội “làm ăn mới” cho các Luật sư, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với các Luật sư, tư vấn pháp luật của Việt Nam. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh với các tổ chức dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù Việt Nam bước đầu cũng đã phát triển đội ngũ Luật sư, tư vấn pháp luật nhưng sức mạnh của dịch vụ pháp lý chúng ta chưa thực sự tốt, ví dụ, nhiều luật sư không biết ngoại ngữ, không có thế mạnh trong việc tư vấn đầu tư, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, với 63 Đoàn Luật sư, tính đến ngày 31/3/2015, Việt Nam có có 9.436 Luật sư, trong đó có 3.500 Luật sư tập sự (TP. Hà Nội có 2.476 Luật sư; TP. Hồ Chí Minh có 3.756 Luật sư). Số Luật sư này còn ít so với hơn 400.000 doanh nghiệp Việt Nam và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, hàng trăm ngàn Hợp tác xã đang hoạt động. Tỷ lệ Luật sư trên số dân và doanh nghiệp của Việt Nam cũng đứng hàng thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thống kê của Asialaw – Tạp chí Ngành luật ở Hồng Kông, hiện Việt Nam chỉ có khoảng gần 30 hãng luật (28 hãng nội địa và 12 hãng luật nước ngoài) có khả năng tư vấn về các lĩnh vực hoạt động cơ bản của doanh nghiệp như tài chính, ngân hàng, nhà đất, xây dựng, sở hữu trí tuệ, viễn thông… Điều này cũng làm hạn chế số lượng khách hàng tìm đến những công ty hay văn phòng luật ít tên tuổi, thay vào đó khách hàng hoặc chấp nhận trả phí cao để tìm được một hãng luật có uy tín, trọng dụng những chuyên viên tư vấn luật chuyên nghiệp, hoặc có tâm lý e dè khi muốn có sử dụng một dịch vụ pháp lý nào đó.
Sự cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số tổ chức dịch vụ pháp lý Việt Nam có thể không tiến kịp với xu thế hội nhập doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận Luật sư cũng có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nhiều thế mạnh về dịch vụ pháp lý trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ pháp lý của ta, nên ngoại trừ những dịch vụ pháp lý liên quan trực tiếp đến thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam thì đây là những thế mạnh của các Luật sư Việt Nam so với các Luật sư trong khu vực và trên thế giới.
Về mặt xã hội, với cơ hội những mới có được từ Hiệp định TPP, các Luật sư chúng ta sẽ có điều kiện có thêm nhiều việc làm mới. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc phát huy vai trò của các Luật sư trong quá trình hội nhập. Với thời gian, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới của Luật sư sẽ được gia tăng.
Đẩy nhanh quá trình Luật sư Việt Nam hội nhập quốc tế, vươn cánh tay ra khu vực và các nước trên thế giới
Mặc dù trình độ phát triển của Việt Nam còn một khoảng cách so với một số nước TPP và một số cam kết trong hiệp định này khá mới mẻ đối với chúng ta, nhất là trong lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước,… nhưng Chủ trương và chính sách của Nhà nước ta đang hướng tới là một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, dễ dự đoán, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tất cả các hiệp định quốc tế nên việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP sẽ đẩy nhanh quá trình Luật sư Việt Nam hội nhập quốc tế, vươn cánh tay ra khu vực và các nước trên thế giới.
Việc tham gia Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn cao sẽ yêu cầu Luật sư chúng ta cần bổ sung các tiêu chuẩn cao hơn để bắt kịp với các nước có trình độ phát triển cao trong TPP và ngoại ngữ là cơ hội cũng như là thách thức cho các Luật sư Việt Nam, Luật sư chúng ta cần thêm thời gian để nâng cao năng lực, góp sức cùng với Nhà nước trong việc sửa đổi pháp luật, thủ tục, quy trình, đào tạo và nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Việt Nam cần có thời gian chuyển đổi thích hợp, nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước TPP phát triển hơn để đảm bảo đến một thời điểm nào đó, ta có thể sẵn sàng thực thi, áp dụng những tiêu chuẩn ngang bằng các nước TPP phát triển.
Hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra sâu và rộng hơn, quy luật sinh tồn và đào thải ngày càng tỏ rõ sức mạnh trong cuộc cạnh tranh dữ dội để tồn tại và phát triển của các luật sư, tổ chức dịch vụ pháp lý. Nếu như không sự chuẩn bị và nâng cao năng lực với tầm nhìn dài hạn, sẽ rất nhiều luật sư, tổ chức dịch vụ pháp lý Việt Nam sẽ đuối sức khi bơi ra biển lớn, nhất là khi sự bao bọc từ các chính sách hỗ trợ của chính phủ yếu dần và không còn nữa. Các Luật sư sẽ ngày càng đứng trước áp lực: hoặc là mạnh mẽ để cạnh tranh, hoặc là bị nuốt chửng theo xu hướng hội nhập mạnh mẽ sắp diễn ra. Tuy nhiên, TPP và các hiệp định FTA trong tương lai chắc chắn sẽ là “một liều thuốc quý”, một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam phát triển và trưởng thành hơn trong sân chơi kinh tế toàn cầu.
Để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thị trường dịch vụ pháp lý… ví dụ như: chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp luật phải được hạch toán rõ ràng trong chi phí của doanh nghiệp như kế toán doanh nghiệp và có vai trò quan trọng và còn quan trọng hơn kế toán trong doanh nghiệp; vai trò của luật sư trong việc tham gia quá trình tố tụng và tranh tụng tại Tòa án; nâng cao và mở rộng các chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức dịch vụ pháp lý; việc cấp chứng chỉ Luật sư cần yêu cầu trình độ tiếng anh ở mức ít nhất là giao tiếp; mỗi luật sư trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải có ít nhất bao nhiều giờ tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng…
Để kịp thời nắm bắt các cơ hội mới, các Luật sư Việt Nam cần trang bị cho mình vốn ngoại ngữ để giao tiếp với thế giới; củng cố tinh thần làm việc chuyên nghiệp và khả năng làm việc nhóm; tìm hiểu về pháp luật đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, giải quyết tranh chấp trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, các Luật sư cũng cần định hướng cho mình các kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu để trở thành “Luật sư hành chính sự nghiệp”, hay “Luật sư tư vấn”, “Luật sư bào chữa” hay còn lại là “Luật sư biện hộ”…để tăng cường sự cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Ths. Trần Minh Sơn