Bổ sung mới 02 tội danh liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính
Đến nay, dự thảo BLHS đã được Chính phủ trình Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân, dự thảo BLHS quy định 10 tội danh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, tăng 02 tội danh so với BLHS hiện hành là bổ sung 01 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán (tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán) và 01 tội danh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm).
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, phạm vi thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng mở rộng. Đối tượng thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tăng lên với hơn 1,000 công ty đại chúng, gần 600 công ty niêm yết trên khắp cả nước, 105 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ và đặc biệt là khoảng 1 triệu nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán. Do đó, số lượng đối tượng giám sát và khối lượng công việc giám sát là rất lớn trong khi các vi phạm trên thị trường lại diễn ra ngày càng nhiều, tinh vi hơn, phức tạp hơn, khó phát hiện và xử lý hơn trước.
Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm: các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bảo hiểm cho thấy các vụ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm gia tăng qua các năm; vi phạm xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ, trong tất cả các khâu nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64,000 vụ, tăng trung bình 31.1%/năm, tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm, chưa kể đến hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi bảo hiểm nên vẫn thực hiện chi trả bảo hiểm.
Bảo hiểm - tấm lá chắn cho kinh tế đang bị “thủng lỗ chỗ” vì hành vi trục lợi
Đại diện của Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, từ năm 2010 đến nay nước ta chưa có công ty kinh doanh bảo hiểm nào được thành lập, các công ty cũ thì hoạt động cầm chừng, bởi chế tài xử phạt hành chính thì nhẹ (Nghị định 98/2013/NĐ- CP); chế tài dân sự thì chưa đủ mạnh (tòa án tuyên doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường hoặc không bồi thường); chế tài hình sự chưa có quy định riêng. Hiện nay, BLHS hiện hành áp dụng quy định về các tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức; tội tham ô tài sản… thì chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi trục lợi bảo hiểm dẫn đến khó áp dụng, số lượng bị xử lý không nhiều, áp dụng tội danh không nhất quán, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng… do đó, nhiều cá nhân vẫn ngang nhiên trục lợi bảo hiểm. Nếu số tiền trục lợi bảo hiểm lớn có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, không thực hiện được trách nhiệm cam kết với hàng triệu khách hàng, gây mất ổn định xã hội, gây mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài…
Hoàng Vy Anh