Tổng quan về hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ

08/09/2015
Nhân dịp Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa kỳ và dự kiến có hoạt động song phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, tiếp theo việc chia sẻ các thông tin cơ bản tham khảo về hệ thống Tòa án của Hoa Kỳ, Vụ HTQT xin tiếp tục bổ sung các thông tin về hệ thống tư pháp của nước này như cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của hệ thống tòa án các cấp từ Liên bang cho đến cấp bang, cơ chế quản lý hành chính Tòa án, các chế định về công tố, luật sư v.v...

Thông tin chung

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định về bộ máy nhà nước liên bang. Hiến pháp xác định cụ thể những quyền hạn của nhà nước liên bang (quốc gia). Tất cả những quyền hạn không được Hiến pháp quy định cho nhà nước liên bang thì đều thuộc thẩm quyền của các tiểu bang. Tất cả 50 tiểu bang đều có hiến pháp riêng cũng như bộ máy nhà nước, pháp luật và hệ thống tòa án riêng.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định về nhánh tư pháp của bộ máy nhà nước liên bang, và phân định rõ thẩm quyền của các tòa án liên bang. Một số loại vụ việc cụ thể - như các vụ việc liên quan đến pháp luật liên bang, tranh chấp giữa các tiểu bang, vụ việc liên quan đến chính phủ nước ngoài - chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án liên bang. Một số loại vụ việc khác vừa thuộc thẩm quyền của tòa án liên bang, vừa thuộc thẩm quyền của tòa án tiểu bang. Ví dụ, cả tòa án liên bang lẫn tòa án tiểu bang đều có thẩm quyền xét xử đối với những vụ việc mà các bên của vụ việc sinh sống ở những tiểu bang khác nhau. Phần lớn vụ việc chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án tiểu bang.

Trong mọi vụ án hình sự và phần lớn vụ án dân sự, các bên có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn. Một bồi thẩm đoàn thường bao gồm 12 công dân. Các bồi thẩm sẽ lắng nghe các bên trình bày chứng cứ và, dưới sự hướng dẫn của thẩm phán, họ sẽ áp dụng pháp luật để quyết định vụ án dựa trên sự thật khách quan đã được xác định từ những chứng cứ trình bày trong phiên tòa. Tuy nhiên, phần lớn các tranh chấp pháp lý ở Hoa Kỳ được giải quyết mà không phải đưa ra bồi thẩm đoàn xét xử. Chúng được giải quyết thông qua quyết định của thẩm phán hoặc thông qua hòa giải, mà không phải đưa ra xét xử.

Cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án Liên bang

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định việc thành lập Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (còn gọi là Tối cao Pháp viện) và trao cho Nghị viện Liên bang thẩm quyền thành lập các tòa án liên bang ở cấp thấp hơn. Nghị viện Liên bang đã thành lập hai cấp tòa án nằm dưới Tòa án Tối cao Liên bang: đó là, tòa án quận  và tòa án phúc thẩm khu vực.

 

Các tòa án quận của Hoa Kỳ là cấp tòa sơ thẩm thuộc hệ thống tòa án liên bang. Có 94 tòa án sơ thẩm liên bang như vậy trên phạm vi toàn quốc. Có ít nhất một tòa án sơ thẩm liên bang đặt ở mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ. Các thẩm phán quận của liên bang xét xử theo nguyên tắc cá nhân. Ở cấp tòa này, ngoài các thẩm phán quận còn có các thẩm phán phá sản (chuyên giải quyết các vụ phá sản) và các thẩm phán tiểu hình (có chức năng tiến hành một số hoạt động xét xử dưới sự giám sát chung của thẩm phán quận). Cấp tòa kế tiếp trong hệ thống tòa án liên bang là tòa phúc thẩm khu vực. Có 12 tòa phúc thẩm khu vực của liên bang được đặt tại các vùng miền khác nhau của Hoa Kỳ. Ở cấp tòa này, hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán sẽ xét xử phúc thẩm các vụán đã được quyết định bởi tòa án quận. Trừ những trường hợp không có quyền kháng cáo (trong vụ án hình sự, bên nhà nước không có quyền yêu cầu phúc thẩm nếu bị cáo được kết luận là “không có tội”) mỗi bên của vụ án sơ thẩm có thể kháng cáo lên tòa án phúc thẩm khu vực. Các tòa án khu vực của liên bang cũng phúc thẩm các quyết định của cơ quan hành chính liên bang. Ở cấp tòa này còn có một tòa án liên bang chuyên trách không tổ chức theo khu vực – tòa án này chuyên xét xử các vụ về bằng sáng chế và kiện bồi thường đối với chính phủ liên bang.

Cấp cao nhất của hệ thống tòa án liên bang là Tòa án Tối cao Liên bang, gồm 9 thẩm phán và xét xử theo nguyên tắc tập thể. Tòa án Tối cao Liên bang có quyền lựa chọn các vụ án từ các tòa phúc thẩm liên bang và các tòa án tối cao tiểu bang để xét xử giám đốc thẩm nếu vụ án phúc thẩm đó liên quan đến Hiến pháp hoặc pháp luật liên bang.

Cơ cấu tổ chức của hệ thống tòa án tiểu bang

Cơ cấu tổ chức của các hệ thống tòa án tiểu bang là rất đa dạng. Hệ thống tòa án của mỗi tiểu bang có những đặc tính riêng biệt; tuy nhiên, cũng có thể khái quát một số điểm chung. Phần lớn các tiểu bang có những tòa án với thẩm quyền xét xử hạn chế được chủ trì bởi một thẩm phán duy nhất, xét xử các vụ hình sự và dân sự ít nghiêm trọng. Các tiểu bang cũng có các tòa sơ thẩm với thẩm quyền xét xử chung được chủ trì bởi một thẩm phán duy nhất. Những tòa án sơ thẩm với thẩm quyền chung này còn được gọi là tòa án khu vực tiểu bang, xét xử các vụ án hình sự và dân sự nghiêm trọng. Một số tiểu bang có các tòa chuyên trách xét xử các vụ liên quan đến pháp luật gia đinh hoặc giao thông.

Tất cả các tiểu bang đều có một tòa án cấp cao nhất, thường gọi là tòa án tối cao tiểu bang, với chức năng phúc thẩm các vụ án đã xét xử ở cấp sơ thẩm tiểu bang. Nhiều bang còn có một cấp tòa án trung gian nằm dưới tòa tối cao tiểu bang và trên tòa sơ thẩm tiểu bang - thường gọi là tòa phúc thẩm tiểu bang. Các bên trong vụ án thường chỉ có quyền kháng cáo một lần.

Quản lý hành chính Tòa án

Ở cả cấp tiểu bang và liên bang, nhánh tư pháp đều độc lập với nhánh hành pháp và lập pháp. Để đảm bảo độc lập tư pháp, nhánh tư pháp của bộ máy nhà nước cấp tiểu bang và liên bang đều có quyền kiểm soát đối với các hoạt động hành chính của tòa án. Công tác quản lý hành chính của tòa án bao gồm quản lý ngân sách tòa án, quy định các quy tắc tố tụng sơ thẩm và phúc thẩm, xem xét các vụ việc về kỷ luật đối với thẩm phán, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên ch các thẩm phán và nghiên cứu hiệu quả hoạt động của tòa án.

Trong bộ máy tòa án liên bang, Hội đồng Tư pháp Liên bang Hoa Kỳ, gồm 27 thành viên (Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang và 26 thẩm phán đại diện cho các vùng miền địa lý khách nhau của Hoa Kỳ) chịu trách nhiệm quản lý hành chính chung đối với các tòa án liên bang và có thẩm quyền chủ yếu trong việc đưa ra những chính sách liên quan đến hoạt động của nhánh tư pháp trong bộ máy nhà nước liên bang. Giúp việc cho Hội đồng Tư pháp là một loạt các ủy ban với thành viên là các thẩm phán liên bang (đôi khi có sự tham gia của các thẩm phán tiểu bang và các luật sư); các tiểu ban có chức năng nghiên cứu các nội dung, khía cạnh hoạt động của hệ thống tòa án liên bang và đưa ra các khuyến nghị. Một nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng Tư pháp là khuyến nghị những đổi mới, thay đổi trong quy định tố tụng được sử dụng bởi tất cả các tòa án liên bang.

Nghị viện Liên bang đã thành lập ba cơ quan hành chính nằm trong bộ máy tòa án. Cơ quan thứ nhất là Văn phòng Hành chính của các Tòa án Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về quản trị hành chính hàng ngày cho các tòa án như bảng lương, thiết bị, văn phòng phẩm và vật tư. Cơ quan thứ hai là Trung tâm Tư pháp Liên bang với chức năng tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các thẩm phán, cán bộ tòa án và tiến hành các nghiên cứu về quản trị hành chính tòa án. Cơ quan thứ ba là Ủy ban Hướng dẫn Định án với chức năng xây dựng các tài liệu hướng dẫn, khuyến nghị cho các thẩm phán liên bang trong việc quyết định các hình phạt trong vụ án hình sự.

Ở phần lớn các hệ thống tòa án tiểu bang, tòa án tối cao của tiểu bang có thẩm quyền quản lý hành chính chung đối với hệ thống tòa án tiểu bang. Giúp việc cho tòa án tối cao tiểu bang là một văn phòng hành chính. Chánh án của tòa án tối cao tiểu bang thường bổ nhiệm một chánh văn phòng để điều hành văn phòng này.

Thẩm phán

Các thẩm phán tòa án tối cao, tòa phúc thẩm khu vực và sơ thẩm của liên bang đều do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm sau khi được thông qua bởi đa số phiếu ở Thượng viện Hoa Kỳ. Nhìn chung, chức danh thẩm phán sẽ được duy trì trong chừng mực thẩm phán không có vi phạm về đạo đức nghề nghiệp – như vậy, về thực chất, các thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ suốt đời. Các Tổng thống thường đề cử các thành viên cùng chính đảng của mình để bổ nhiệm làm thẩm phán. Nguồn bổ nhiệm thẩm phán liên bang là các luật sư, giáo sư luật có uy tín, hoặc các thẩm phán tòa liên bang cấp dưới hoặc thẩm phán tiểu bang. Một khi thẩm phán đã được bổ nhiệm, tiền lương của họ không thể bị cắt giảm. Một thẩm phán liên bang chỉ có thể bị bãi nhiệm thông qua một quy trình xem xét vi phạm đạo đức, trong đó Hạ viện Liên bang là bên đưa ra các cáo buộc và việc xét xử sơ thẩm được thực hiện bởi Thượng viện Liên bang. Trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ, mới chỉ có một vài thẩm phán bị xem xét theo quy trình này và những thẩm phán đã bị bãi nhiệm là những trường hợp bị kết luận là có vi phạm nghiêm trọng. Các cơ chế bảo vệ này giúp đảm bảo sự độc lập cho các thẩm phán để họ có thể xét xử các vụ án mà không e sợ những can thiệp chính trị hay ảnh hưởng từ bên ngoài.

Phương pháp lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán ở mỗi tiểu bang cũng khác khác nhau, và thậm chí có thể giữa các địa phương trong cùng tiểu bang cũng có sự khác nhau. Cơ chế lựa chọn phổ biến nhất là thông qua đề cử của hội đồng và thông qua bầu cử phổ thông. Trong cơ chế đề cử của hội đồng, các thẩm phán được bổ nhiệm bởi thống đốc tiểu bang (người đứng đầu bộ máy hành pháp của tiểu bang) trên cơ sở một danh sách đề cử các ứng viên đã được tuyển chọn bởi một hội đồng độc lập gồm các luật sư, các nhà lập pháp, đại diện dân thường, và đôi khi cả các thẩm phán đương nhiệm.  Ở nhiều tiểu bang, thẩm phán được lựa chọn thông qua bầu cử phổ thông. Các cuộc bầu cử đó có thể mang tính đảng phái hoặc không. Các ứng viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định – ví dụ phải là luật sư đang hành nghề với ít nhất bao nhiêu năm kinh nghiệm. Trừ một số ngoại lệ hãn hữu, các thẩm phán tiểu bang được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ nhất định, và có thể được tái bổ nhiệm. Các tiểu bang đều có quy trình cụ thể để xem xét vi phạm đạo đức, kỷ luật và miễn nhiệm thẩm phán.

Trong cả hệ thống tiểu bang và liên bang, các ứng viên phần lớn là luật sư có nhiều năm kinh nghiệm. Không có chương trình đào tạo nguồn thẩm phán riêng và cũng không có kỳ thi để tuyển chọn thẩm phán. Một số tiểu bang quy định các thẩm phán phải tham dự các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để cập nhật những kiến thức pháp luật. Cả hệ thống tòa án tiểu bang và liên bang đều có các chương trình bồi dưỡng ban đầu cho thẩm phán mới bổ nhiệm và chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho các thẩm phán đương nhiệm.

Công tố viên

Các công tố viên trong hệ thống liên bang là nhân sự thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nằm trong nhánh hành pháp. Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ, người đứng đầu Bộ Tư pháp, được bổ nhiệm bởi Tổng thống và thông qua bởi Thượng viện. Trưởng Công tố ở các văn phòng công tố quận của hệ thống liên bang còn được gọi là các luật sư thuộc nhà nước và cũng được bổ nhiệm bởi Tổng thống với sự thông qua của Thượng viện. Trong Bộ Tư pháp còn có Cục Điều tra Liên bang (FBI) với chức năng điều tra tội phạm.

Mỗi tiểu bang cũng có tổng chưởng lý, thuộc trong bộ máy hành pháp của tiểu bang và thường do người dân của tiểu bang bầu ra. Ngoài ra còn có các công tố viên ở các khu vực của tiểu bang. Các công tố viên này cũng thường do người dân bầu cử.

Luật sư

Hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ dựa trên tố tụng tranh tụng. Các luật sư đóng vai trò thiết yếu trong tố tụng tranh tụng. Luật sư đại diện cho khách hàng và trình bày các chứng cứ, lập luận pháp lý trước tòa. Dựa trên trình bày của luật sư, thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn xét xử sơ thẩm sẽ xác định đâu là sự thật khách quan của vụ án và áp dụng các quy định pháp luật để quyết định vụ án và đưa ra phán quyết.

Các cá nhân cũng có quyền tự bảo vệ, tự bào chữa trước tòa án, nhưng sự tham gia của các luật sư sẽ giúp vụ án được giải quyết hiệu quả hơn. Một cá nhân không có tiền để thuê luật sư có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý từ tổ chức trợ giúp pháp lý địa phương. Những bị cáo không có khả năng thuê luật sư vẫn có người bào chữa cho mình thông qua một luật sư được chỉ định bởi tòa án hoặc văn phòng người bào chữa công ở liên bang hoặc tiểu bang.

Các luật sư Hoa kỳ được cấp phép hành nghề bởi tiểu bang nơi họ hành nghề. Không có cơ quan cấp phép hành nghề luật sư ở cấp quốc gia. PHần lớn các tiểu bang yêu cầu người xin cấp phép hành nghề luật sư phải có một bằng đào tạo chuyên ngành luật từ một trường luật đã được công nhận trong hệ thống. Ở Hoa kỳ, bằng đào tạo chuyên ngành luật thường là bằng đại học thứ hai (sinh viên trường luật thường đã có bằng cử nhân của một chương trình đào tạo 4 năm ở một đại học), khóa đào tạo chuyên ngành luật thường kéo dài ba năm. Ngoài ra, phần lớn các tiểu bang còn yêu cầu rằng người xin cấp phép hành nghề luật sư phải đỗ một kỳ thi viết để được kết nạp vào đoàn luật sư và phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức. Một số tiểu bang cho phép đoàn luật sư của tiểu bang được kết nạp các luật sư đăng ký thành viên ở một đoàn luật sư khác. Tất cả các tiểu bang đều cho phép các luật sư từ tiểu bang khác được hành nghề ở tiểu bang của mình trong một vụ việc cụ thể và theo những điều kiện nhất định. Các luật sư có thể hành nghề trong bất kỳ lĩnh vực nào. Mặc dù không có sự phân biệt chính thức giữa các lĩnh vực hành nghề, song các luật sư có xu hướng chuyên môn hóa.

                              Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa:

 

1.       Thông tin cơ bản về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ

2.       Bộ trưởng Hà Hùng Cường tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa Kỳ