Thông tin cơ bản về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ

07/09/2015
Nhân dịp Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa kỳ và dự kiến Bộ trưởng sẽ có hoạt động song phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp xin giới thiệu một số thông tin cơ bản có tính chất tham khảo về hệ thống Tòa án của Hoa Kỳ.

Tổng quan về hệ thống tòa án liên bang

Hệ thống tòa án liên bang gồm có 3 cấp độ: tòa án địa phương (tòa sơ thẩm), tòa án khu vực là cấp phúc thẩm đầu tiên, và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - cấp phúc thẩm cao nhất trong hệ thống liên bang. Có tất cả 94 tòa án địa phương, 13 tòa án khu vực, và 1 tòa án Tối cao trên cả nước.

Các tòa án của hệ thống liên bang hoạt động khá khác biệt so với các tòa án cấp tiểu bang. Điểm khác biệt cơ bản nhất đối với các vụ án dân sự (ngược lại với các vụ án hình sự) là loại vụ án sẽ được xét xử tại tòa án liên bang. Các tòa án liên bang bị giới hạn thẩm quyền xét xử, nghĩa là các tòa án này chỉ có thể xét xử các vụ án được Hiến pháp Hoa Kỳ hoặc các đạo luật liên bang cho phép. Tòa án địa phương liên bang là nơi bắt đầu thụ lý đối với mọi vụ án nảy sinh theo các đạo luật liên bang, theo Hiến pháp, hoặc các hiệp định. Loại thẩm quyền xét xử này được gọi là “thẩm quyền tài phán ban đầu”. Thẩm quyền tài phán của các tòa án bang đôi khi có thể chồng chéo với thẩm quyền tài phán của các tòa án liên bang, nghĩa là một số vụ án có thể được xét xử bởi cả hai tòa án. Nguyên đơn sẽ được lựa chọn trước để đưa vụ án ra tòa án tiểu bang bang hay tòa án liên bang. Tuy nhiên, nếu như nguyên đơn chọn tòa án bang, bị đơn đôi lúc có thể chọn “chuyển” vụ án sang tòa liên bang.

Các vụ án chủ yếu dựa trên luật liên bang có thể được xét xử tại tòa án liên bang theo “thẩm quyền tài phán đa dạng” của tòa án. Thẩm quyền tài phán đa dạng cho phép bên nguyên đơn ở một tiểu bang được đệ đơn lên tòa án liên bang trong khi bên bị đơn cư trú tại một tiểu bang khác. Bị đơn cũng có thể “chuyển” vụ án khỏi tòa án tiểu bang với lí do tương tự. Để chuyển một vụ án từ tòa án tiểu bang lên tòa án liên bang, tất cả các nguyên đơn phải cư trú tại các tiểu bang khác với nơi cư trú của các bị đơn, và tổng “giá trị tranh chấp” phải lớn hơn $75.000.

Các vụ án hình sự không được xét xử dựa trên thẩm quyền tài phán đa dạng. Các tiểu bang chỉ thực hiện khởi tố các vụ án hình sự ở các tòa án tiểu bang, và chính phủ liên bang chỉ khởi tố vụ án hình sự ở tòa án liên bang. Cần chú ý, nguyên tắc 2 lần xét xử - không cho phép bị đơn bị xét xử 2 lần vì cùng 1 cáo buộc – không được áp dụng giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Chẳng hạn nếu chính quyền tiểu bang đưa ra cáo buộc tội giết người và không đưa ra phán quyết, trong một số trường hợp chính quyền liên bang có thể đưa ra phán quyết đối với bị cáo nếu hành động này cũng vi phạm pháp luật liên bang.

Các thẩm phán liên bang (và các thẩm phán tòa Tối cao) được Tổng thống lựa chọn và phê chuẩn “với sự gợi ý và tán thành” của Thượng viện và “có thể tại vị nếu có hành vi đúng đắn”. Các thẩm phán có thể tại vị suốt đời, nhưng rất nhiều người đã từ chức hoặc nghỉ hưu sớm. Các thẩm phán này cũng có thể bị bãi nhiệm bởi Ủy ban đại diện và các cáo buộc của Thượng viện. Trong lịch sử đã có 14 thẩm phán liên bang bị bãi nhiệm do các hành vi sai trái bị cáo buộc. Trường hợp ngoại lệ đối với việc bổ nhiệm trọn đời là đối với các thẩm phán tòa hội thẩm. Các thẩm phán này được lựa chọn bởi thẩm phán tòa địa phương và phục vụ trong một nhiệm kỳ xác định.

Tòa án địa phương

Các tòa án địa phương là các tòa án sơ thẩm chung của hệ thống tòa án liên bang. Mỗi tòa địa phương có ít nhất 1 thẩm phán tòa địa phương Hoa Kỳ, được Tổng thống bổ nhiệm tại vị trọn đời và Thượng viện phê chuẩn. Các tòa án địa phương xét xử sơ thẩm các vụ án trong khuôn khổ hệ thống tòa án liên bang – bao gồm cả các vụ án dân sự và hình sự.

Các thẩm phán tòa án địa phương chịu trách nhiệm quản lý tòa án và giám sát các nhân viên của tòa án. Các thẩm phán có thể tiếp tục tại vị nếu họ đảm bảo duy trì “hành vi đúng đắn”, và có thể bị bãi nhiệm và miễn nhiệm bởi Quốc hội. Cả nước hiện có hơn 670 thẩm phán tòa địa phương.

Một số nhiệm vụ của tòa án địa phương được các thẩm phán tòa hội thẩm liên bang phân công. Ban hội thẩm được tòa án địa phương bổ nhiệm thông qua bỏ phiếu đa số của các thẩm phán và phục vụ trong thời hạn 8 năm nếu làm việc toàn thời gian và 4 năm nếu làm việc bán thời gian, nhưng sau đó có thể được tái bổ nhiệm sau khi hoàn thành nhiệm kì. Đối với các vấn đề hình sự, thẩm phán tòa hội thẩm phải giám sát các vụ án nhất định, ban hành lệnh tìm kiếm và lệnh bắt giữ, tiến hành các buổi tiền xét xử và đặt ra mức bảo lãnh. Trong các án vụ dân sự, ban hội thẩm thường giải quyết nhiều vấn đề như bản kiến nghị tiền xét xử và hoạt động điều tra xét hỏi.

Các tòa án sơ thẩm liên bang cũng có thể được thành lập trong một số lĩnh vực nhất định. Mỗi tòa liên bang đều có một tòa án chuyên xét xử các vụ phá sản. Thêm vào đó, một số tòa cũng có thẩm quyền tài phán trên quy mô cả nước đối với các vấn đề như thuế (Tòa án thuế Hoa Kỳ), các yêu cầu bồi thường đối với chính quyền liên bang (Tòa án Khiếu kiện đòi bồi thường liên bang Hoa Kỳ) và thương mại quốc tế (Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ).

Tòa án khu vực

Khi Tòa án địa phương đã đưa ra phán quyết đối với một vụ án, vụ án này có thể được phúc thẩm tại một Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ. Có 12 tòa án địa phương chia theo khu vực địa lý. Ví dụ, Tòa án Khu vực số 5 bao gồm các bang: Texas, Lousiana và Missisippi. Các vụ án đã được xử tại các tòa án địa phương thuộc các tiểu bang này có thể được phúc thẩm tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ của Khu vực số 5 với trụ sở đặt tại New Orleand, Lousiana. Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm khu vực cũng có thẩm quyền tài phán trên cả nước đối với một số vấn đề cụ thể như bằng sáng chế.

Mỗi tòa án khu vực có từ 6 thẩm phán (Khu vực số 1) đến 29 thẩm phán (Khu vực số 9). Các thẩm phán của Tòa án khu vực được tổng thống bổ nhiệm tại vị cả đời và được phê chuẩn bởi Thượng viện. 

Mọi vụ án đều có thể được phúc thẩm tại tòa án khu vực một khi tòa án địa phương đã đưa ra phán quyết cuối cùng (một số vụ án có thể được phúc thẩm trước khi có phán quyết cuối cùng thông qua một “kháng cáo tạm thời”). Kháng cáo tại tòa án khu vực đầu tiên sẽ được một hội đồng bao gồm 3 thẩm phán tòa án khu vực xét xử. Các bên gửi các hồ sơ tóm tắt tới tòa, nêu rõ lý do tại sao phán quyết của tòa sơ thẩm phải được “giữ nguyên” hay “đảo ngược”. Sau khi nhận được hồ sơ tóm tắt, tòa án sẽ tổ chức một buổi “tranh biện” để các luật sư có thể đưa ra lập luận và trả lời các câu hỏi của thẩm phán trước tòa.

Tòa án khu vực trong một số trường hợp hiếm hoi có thể xử các vụ án phúc thẩm tại một phiên “xét xử en banc” (xét xử tại tòa với sự tham gia của tất cả các thẩm phán thay vì chỉ một hội đồng với các thẩm phán được lựa chọn). (Khu vực số 9 có một quy trình xét xử en banc khác với các khu vực còn lại). Các ý kiến tại phiên xét xử En banc thường có trọng lượng hơn và phán quyết thường được chỉ được đưa ra sau khi hội đồng đã xử vụ án lần đầu. Một khi hội đồng đã đưa ra phán quyết đối với một vụ án và đã công khai ý kiến của mình, không một hội đồng nào trong tương lai có thể bác bỏ phán quyết này. Tuy nhiên, hội đồng này có thể đề xuất tòa án khu vực tổ chức xét xử en banc nhằm cân nhắc lại phán quyết của hội đồng ban đầu.

Ngoài Tòa án Khu vực liên bang, một số tòa án cũng được thành lập nhằm xử lý các kháng cáo đối với một số trường hợp cụ thể như các yêu cầu bồi thường của cựu chiến binh (Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ về các yêu cầu bồi thường của cựu chiến binh) và các vấn đề quân sự (Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ về lực lượng vũ trang).

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ là tòa án cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ với thẩm quyền đưa ra phán quyết đối với các kháng cáo của các vụ án được đưa ra tòa án liên bang hoặc các vụ án được đưa ra tòa án tiểu bang nhưng liên quan tới luật liên bang. Ví dụ, nếu một vụ án liên quan tới Tu chính thứ nhất về tự do ngôn luận đã được tòa án tiểu bang cấp cao nhất đưa ra phán quyết (thường là tòa án tối cao tiểu bang), vụ án có thể được kháng cáo tại Tòa án Tối cao liên bang. Tuy nhiên, nếu cũng vụ án này được xét xử hoàn toàn theo luật của một tiểu bang tương đồng với Tu chính thứ nhất, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không thể xét xử lại vụ án.

Sau khi tòa án khu vực và tòa án tối cao tiểu bang đã đưa ra phán quyết đối với một vụ án, một trong hai bên có thể lựa chọn việc kháng cáo tới Tòa án tối cao. Tuy nhiên, không giống với kháng cáo tại tòa án khu vực, Tòa án Tối cao thường không bắt buộc phải xử phúc thẩm. Các bên có thể gửi một “lệnh certiorari” (lệnh chuyển hồ sơ lên tòa án cấp trên) yêu cầu tòa xét xử vụ án. Nếu lệnh này được đưa ra, Tòa án Tối cao sẽ nhận hồ sơ tóm tắt và tiến hành tranh biện. Nếu lệnh này không được đưa ra, phán quyết của tòa án cấp dưới sẽ được giữ nguyên. Lệnh Certiorari không thường xuyên được đưa ra với chưa tới 1% số kháng cáo lên các tòa cấp cao thực sự được chấp nhận. Tòa án tối cao chủ yếu xét xử các vụ án với các phán quyết mâu thuẫn nhau trên cả nước về một vấn đề cụ thể hoặc khi có một sai lầm nghiêm trọng đối với một vụ án.

Các thành viên của Toàn án tối cao được gọi là các “Thẩm phán tòa tối cao”. Giống như các thẩm phán liên bang khác, các thẩm phán này được Tổng thống bổ nhiệm tại vị cả đời và Thượng viện phê chuẩn. Có tổng cộng 9 thẩm phán tại Tòa Tối cao – 8 Phó Chánh án và một Chánh án. Hiến pháp không đặt ra yêu cầu với các thẩm phán Tòa án tối cao, tuy nhiên tất cả các thẩm phán của Tòa án Tối cao đều là các luật sư và phần lớn các thẩm phán này đã từng là thẩm phán Tòa án khu vực. Các thẩm phán Tòa án Tối cao cũng có thể từng là các giáo sư luật. Chánh án Tòa án tối cao đóng vai trò điều hành tòa án, được lựa chọn bởi Tổng thống và được phê chuẩn bởi Quốc hội.

Tòa án Tối cao có trụ sở tại Washington, D.C. Tòa án Tối cao thực hiện nhiệm kỳ hàng năm bắt đầu từ ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 10 đến mùa hè năm sau, thường kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 6.

                                 Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp