Các luật được công bố gồm Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách nhà nước; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Luật nghĩa vụ quân sự; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y; Luật an toàn, vệ sinh lao động và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Đồng thời, công bố Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (đã có hiệu lực từ ngày 05/6/2015).
Xem xét trách nhiệm trong xây dựng VBQPPL
Giới thiệu về những điểm mới trong Luật Ban hành VBQPPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, Luật ban hành VBQPPL tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều điểm mới về xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả.
So với các luật về ban hành VBQPPL hiện hành, Luật mới đã giảm 5 loại VBQPPL để thực hiện chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống VBQPPL gồm nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc giữa Chính phủ với các cơ quan TƯ của tổ chức chính trị - xã hội (trừ Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam); thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Đồng thời qui đinh chặt chẽ hơn nội dung của VBQPPL, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền từ TƯ tới địa phương. Luật mới tách bạch qui trình xây dựng chính sách, tập trung qui định về qui trình xây dựng ban hành văn bản, chính sách, bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng VBQPPL, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng VBQPPL. Luật còn quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành VBQPPL.
Luật ban hành VBQPPL bổ sung cơ chế giúp ĐBQH thực hiện quyền sáng kiến lập pháp, với qui định cho ĐBQH có quyền đề nghị việc xây dựng VBQPPL và qui định các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo cho ĐBQH thực hiện quyền này. Cùng với đó, Luật bổ sung 3 trường hợp được ban hành VBQPPL rút gọn gồm: trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách cần giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định.
Luật quy định rõ, trường hợp dự thảo VBQPPL không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành VBQPPL phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Để khắc phục nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành, Luật ban hành VBQPPL bổ sung qui định, văn bản hướng dẫn chi tiết phải được trình đồng thời với dự thảo luật, VBPL. Khi luật hết hiệu lực, văn bản hướng dẫn chi tiết cũng hết hiệu lực và cũng qui định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền nếu làm chậm quá trình ban hành VB hướng dẫn chi tiết.
Luật ban hành VBQPPL có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Chấm dứt việc tổ chức không thí điểm HĐND quận, xã, phường kể từ ngày 1/1/2016
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đưa ra khi giới thiệu về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP). Luật Tổ chức CQĐP vừa được QH vừa được ban hành đã cụ thể hóa về đơn vị hành chính tương đương, quy định nhiệm vụ quyền hạn của CQĐP, tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở, bảo đảm thống nhất về thể chế, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP. Một trong những nội dung mới của Luật Tổ chức CQĐP là qui định rõ nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị là chú trọng quản lý theo ngành, lĩnh vực, chính quyền nông thôn chú trọng quản lý theo cơ sở, địa bàn.
Luật Tổ chức Chính phủ được công bố cùng ngày đã tách bạch nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong vai trò là thành viên Chính phủ và vai trò người đứng đầu các cơ quan; có quy định cụ thể về số lượng cấp phó ở các Bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, các Bộ có không quá 5 Thứ trướng, cơ quan ngang Bộ không quá 5 cấp phó, riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không quá 6 Thứ trưởng./.
H.Giang