Trình bày về Dự thảo Nghị quyết, đại diện Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo Nghị quyết đề xuất điều chỉnh lại các mức thuế suất thuế tài nguyên với một số tài nguyên thuộc cả nhóm khoáng sản kim loại và nhóm khoáng sản không kim loại như vàng, sắt, titan, wolfram... Đây đều là những loại tài nguyên không tái tạo, nhiều khoáng sản kim loại có giá trị kinh tế cao, một số loại khoáng sản không kim loại còn là nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, đặc biệt là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng. Theo đại diện Ban soạn thảo, trong quá trình lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến còn đề nghị nâng mức thuế suất lên cao hơn nữa như với vàng lên mức 22%, sắt lên mức 20%, volfram lên 21%... Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ đã rà soát, tính toán và điều chỉnh lại các mức thuế suất đối với từng loại tài nguyên một cách phù hợp, đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Trong đó, đối với một số loại khoáng sản đang gặp khó khăn trong khai thác sẽ chỉ thực hiện tăng thuế từ ngày 1/1/2017 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh sản xuất.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đưa ra nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn với những điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại, nếu quy định biểu thuế suất với các tài nguyên quý hiếm thì vô hình trung sẽ được hiểu là chúng ta cho phép khai thác các loại tài nguyên này. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị đánh giá lại tác động của việc điều chỉnh thuế suất với nhóm khoáng sản kim loại khi lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp là âm và thời hạn áp dụng từ 1/7/2017 có bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp không. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phải nghiên cứu nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể hạn chế khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu thực trạng, tư duy của không ít người hiện nay cho rằng tài nguyên thiên nhiên là “của chùa”, là vô tận, cứ vô tư khai thác, gây bức xúc dư luận. Xuất phát từ thực trạng ấy, Thứ trưởng nhận xét, Dự thảo Nghị quyết vẫn chưa bảo vệ được cái chung, vẫn còn tư duy khai thác tối đa, trong khi cần phải có tầm nhìn xa, phải để dành được tài nguyên cho đời con đời cháu. “Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 712/2013 phải góp phần bảo đảm hài hòa, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần khai thác tài nguyên hiệu quả, bền vững chứ không chỉ đáp ứng nhanh nhu cầu phát triển kinh tế” – Thứ trưởng nhấn mạnh và chia sẻ điều quan trọng là công tác quản lý bởi tăng thuế mà không đi cùng tăng cường quản lý nhà nước sẽ không giải quyết được vấn đề.
Thục Quyên