Sửa đổi Bộ luật hàng hải Việt Nam: Xã hội hóa khai thác cảng biển

22/06/2015
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ  luật Hàng hải Việt Nam sáng 22/6 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, Bộ luật hàng hải (sửa đổi) quan tâm tạo hành lang pháp lý để xử lý hiệu quả những bức xúc trong thực tiễn hoạt động hàng hải, quản lý cảng biển, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hàng hải.

Luật phải xử lý được những bức xúc thực tiễn

Hiện có tình trạng các hãng tàu áp đặt thu phụ phí theo cước vận tải biển vô tội vạ với các doanh nghiệp Việt Nam mà không có sự kiểm soát của bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Theo kết quả kiểm tra Bộ tài chính mới đây cho thấy, có đến gần 70 loại phụ phí các loại, trong đó có nhiều loại phụ phí vô lý và do không bị kiểm soát cho nên các hãng tàu đã tận dụng để áp đặt các khoản phụ phí không tương xứng với chi phí thực tế mà họ phải gánh chịu. Điều đáng nói là dù thu phí của doanh nghiệp Việt Nam rất cao nhưng thực trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp…

Một số vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn, như tình trạng tồn đọng hàng ngàn container rác thải công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập, tái xuất tại các cảng, gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng kho bãi,... mà chưa thể xử lý do thiếu chính sách, thiếu hành lang pháp lý, thiếu chế tài xử lý.

Đó là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm và kiến nghị khắc  phục qua lần sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam này. ĐB Nguyễn Phi Thường (TP.Hà Nội) đề nghị dự thảo luật sửa đổi cần quan tâm tạo hành lang pháp lý xử lý một số vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn kinh doanh hàng hải ở nước ta. Bên cạnh đó, ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị bổ sung có các cơ chế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực vận tải hàng hải đang gặp nhiều khó khăn.

Công khai để triệt tiêu lợi ích nhóm

Cùng với đó, ĐBQH đề xuất những cơ chế để xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn vốn tư nhân trong, ngoài nước để phát triển cảng biển, hạ tầng giao thông cả hình thức như nhượng quyền khai thác công trình đã đầu tư để lấy tiền đầu tư hạ tầng hàng hải khác như xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, cảng biển, công trình hạ tầng giao thông không chỉ những khối tài sản lớn mà là một số công trình còn đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược không chỉ về kinh tế, nên cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức thực hiện cân bằng lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ và đặc biệt thực hiện công khai, minh bạch để triệt tiêu tiêu cực và lợi ích nhóm.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) thấy rằng, việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước, bến cảng tại các vị chí đắc địa do nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp xây dựng cảng và khai thác như hiện nay, vô hình chung làm mất lợi thế sinh ra từ lợi thế vị trí địa lý này và tạo các điều kiện về cảng biển được chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, “cần lưu ý khi quyết định xây dựng cảng biển mà chuyển giao toàn bộ cho các doanh nghiệp nước ngoài” – ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

ĐBQH cũng phản ánh, việc cho phép doanh nghiệp khai thác, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được thu phí cầu bến và đưa vào doanh thu các doanh nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp. Đặc biệt đối với những bến cảng được đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn nhà nước. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong trường hợp chúng ta cần huy động và sử dụng các bến cảng vào các mục đích khác như an ninh, quốc phòng, phòng, chống về thiên tai khi có tình trạng khẩn cấp xảy ra./.

Huy Anh