Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật tán thành việc Chính phủ mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò của giao thông hàng hải đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới; cụ thể hóa một số quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, khắc phục những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành, như quy định về quy hoạch, xây dựng cảng biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải; luật hóa nhiều quy phạm về hàng hải trong văn bản dưới luật đã được thực tế kiểm nghiệm, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải. Những sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Ủy ban pháp luật cũng cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định trong Bộ luật về việc đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ theo hướng vừa tạo điều kiện để phát triển đội tàu biển Việt Nam về số lượng, bảo đảm chất lượng vừa tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu tàu phế thải vào Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế và tác động xấu đến môi trường.
Một số ý kiến nhất trí bổ sung quy định về việc phá dỡ tàu biển (Điều 40) như trong dự thảo Bộ luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, hạn chế việc phá dỡ tùy tiện gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn lao động; bảo đảm thống nhất với quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật đầu tư. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trong Bộ luật về điều kiện của doanh nghiệp được phá dỡ tàu biển để bảo đảm tính khả thi và minh bạch.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này; vì cho rằng, đây chỉ là một trong những lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, khi hoạt động các doanh nghiệp đều phải thực hiện các nghĩa vụ, chấp hành các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động tương tự như các hoạt động phá dỡ công trình xây dựng, nhà ở, cầu cống, phá núi...; đồng thời, đề nghị cần phân tích, đánh giá rõ hơn về mặt lợi ích và bất cập của việc phá dỡ tàu biển nhằm tạo sự đồng thuận việc bổ sung nội dung này trong dự thảo Bộ luật.
Ủy ban pháp luật nhận thấy việc tạm giữ tàu biển theo thủ tục hành chính trong khoản 1 Điều 158 dự thảo Bộ luật là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, liên quan đến quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Do đó, cần phải định lượng rõ mức độ vi phạm cụ thể như thế nào thì mới bị tạm giữ tàu biển; quy định trường hợp “Không có đủ các điều kiện về lao động hàng hải” mà tàu biển bị tạm giữ là vi phạm gì, tính chất, mức độ vi phạm ra sao...?; trình tự, thủ tục tạm giữ tàu biển; đồng thời, cần có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân phải bồi thường thiệt hại nếu tạm giữ tàu biển trái pháp luật để tránh tình trạng tùy tiện, lạm quyền của người thi hành công vụ, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động hàng hải...
H.Giang