Thu hẹp áp dụng hình phạt tử hình, hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ

31/05/2015
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, việc giảm áp dụng hình phạt tử hình, hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ là rất cần thiết.
 

Trong hệ thống hình phạt hiện nay của nước ta, trong số 7 hình phạt chính có 4 hình phạt không tước tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất). Như vậy, số hình phạt không tước tự do chiếm hơn một nửa tổng số hình phạt chính. Điều này, tuy phản ánh được chính sách nhân đạo của nhà nước, nhưng qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự (BLHS) cho thấy, các hình phạt này được áp dụng rất ít mà chủ yếu là áp dụng hình phạt tù có thời hạn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hình phạt không giam giữ được quy định trong BLHS có tính cưỡng chế không cao, nên tác dụng phòng ngừa, giáo dục người phạm tội rất hạn chế. Vì vậy, trên thực tế Thẩm phán thường lựa chọn hình phạt tù để tuyên đối với người phạm tội, hình phạt khác như phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung kèm theo với hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt chính khác. Mặt khác, điều kiện áp dụng hình phạt không mang tính giam giữ tương đối chặt chẽ như hình phạt tiền chỉ áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng. Việc giảm áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ là rất cần thiết để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 cũng như thể hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW. Hình phạt tù chỉ nên áp dụng chủ yếu đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết phải tước tự do của người bị kết án khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ tiếp tục gây hại cho xã hội.

Bên cạnh việc thu hẹp hình phạt tù, hình phạt tử hình cũng cần phải thu hẹp và tiến tới xóa bỏ. BLHS năm 1985 có 29 điều quy định hình phạt tử hình; sau 4 lần sửa đổi, bổ sung BLHS (năm 1989, 1991, 1992, 1997) BLHS tăng lên thành 44 điều quy định hình phạt tử hình; năm 1999 hình phạt tử hình giảm về con số ban đầu là 29 điều; BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 giảm xuống còn 22 điều quy định hình phạt tử hình. Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng thực tế cho thấy số lượng người bị kết án tử hình và bị đưa ra thi hành án vẫn còn cao. Hình phạt tử hình đã tước đi quyền sống và cơ hội phục thiện, tái hòa nhập cộng đồng cũng như loại trừ khả năng khắc phục oan sai có thể xảy ra trong việc kết án. BLHS cần phải quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình. Đối với luật nội dung, cần quy định cụ thể về loại tội, theo đó, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc ba nhóm tội: các tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, chế độ; các tội xâm hại tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của giống nòi; các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới. Trên cơ sở này, cần nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh sau và thay thế bằng hình phạt tù chung thân: tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh, quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch. Về Luật tố tụng, cần có quy định về hoãn thi hành án tử hình, trong thời gian hoãn thi hành án nhất định, nếu người bị kết án khắc phục được phần lớn hậu quả thiệt hại, hoặc có thái độ cải tạo tốt thì có thể xem xét chuyển án tử hình xuống chung thân.

Mới đây, trong buổi thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật hình sự sửa đổi (26/05), nhiều ý kiến tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành với việc loại bỏ bảy tội danh có khung hình phạt tử hình trong tổng số 22 tội danh như hiện nay, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này. Ủng hộ hướng quy định của dự thảo BLHS tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình, nhưng có ý kiến cũng cho rằng cần có quy định một số tội tù chung thân không được giảm án để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Liên quan đến tội tham nhũng, một số ý kiến cho rằng, đối với tội tham nhũng cần áp dụng hình phạt tử hình. Vì, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều biện pháp quyết liệt và coi tham nhũng là quốc nạn cần được xử lý nghiêm. Tội phạm tham nhũng là những người có trình độ, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, nếu loại bỏ tội tham nhũng ra khỏi những tội danh có khung hình phạt tử hình sẽ không phù hợp, không bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật.

Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng). Dự thảo BLHS cũng bổ sung quy định trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành các điều kiện của hình phạt cải tạo không giam giữ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt cải tạo không giam giữ. Đồng thời, dự thảo BLHS bổ sung trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thanh Bình