Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), sửa Điều 60 có lợi cho NLĐ vì đảm bảo nguyên tắc “có đóng có hưởng” song cần nhấn mạnh nguyên tắc bảo lưu để có lương hưu nhằm ổn định quỹ BHXH, bảo đảm đời sống cho NLĐ khi về già, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, phải quản chặt hoạt động BHXH, có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH. ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) còn kiến nghị, sửa Điều 60 phải đồng thời vơí việc cải cách chế độ tiền lương để giải quyết căn bản vấn đề lương của NLĐ.
Một số ĐBQH đánh giá, việc một bộ phận NLĐ phản đối Điều 60 cho thấy khi làm luật đã “chưa lường hết được vấn đề, mới chú trọng đến những thuận lợi để giảm gánh nặng ASXH”. ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) phân tích, khi xây dựng luật BHXH đã không hiểu đúng bản chất của BHXH là khoản tiền NLĐ gửi vào một quỹ, khi họ đủ điều kiện thì được rút ra, chứ không phải Nhà nước cho nên mới dẫn đến việc phản đối điều 60.
Vì vậy, khi sửa Điều 60, ĐB Trương Minh Hoàng đề nghị, tính đến phương án: nếu NLĐ đã hưởng BHXH 1 lần thì khi đến tuổi được hưởng ASXH không thể giống những người hưởng lương hưu mới tạo sự công bằng giữa những người đóng BHXH.
Ngoài ra, ĐBQH cũng cho rằng, thời gian chi trả BHXH 1 lần cũng là vấn đề cần cân nhắc. ĐB Trương Minh Hoàng nhận thấy, “đề nghị sửa điều 60 của NLĐ là chính đáng, phù hợp với quyền tự do đã được Hiến pháp qui nhưng nếu qui định 1 năm mới quyết định nhận BHXH 1 lần hay đóng tiếp để hưởng lương hưu thì sẽ dẫn đến tình trạng thu gom sổ BHXH”. Do vậy, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nên rút ngắn thời gian này.
Nhưng ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) lại cho rằng, giải quyết ngay yêu cầu nhận BHXH 1 lần sau khi NLĐ thôi việc là không hợp lý mà nên qui định phải ít nhất từ 1-2 năm sau khi thôi việc phải giải quyết BHXH 1 lần nếu NLĐ có nhu cầu.
Ngày 27/5 vấn đề này sẽ được Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp toàn thể./.
Huy Anh