Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

25/05/2015
Chiều 22/5/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mở đầu buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, thu hút quan tâm của đại biểu Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để cho ý kiến về dự án Luật và đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, nhưng nhiều nội dung của dự thảo Luật vẫn còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề như thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là của cấp huyện, cấp xã; quy định về văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; tính hợp lý, tính dân chủ, tính khả thi, tính chặt chẽ của quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong dự thảo; vai trò cơ quan trình dự án, dự thảo luật, pháp lệnh; lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo dự án văn bản quy phạm pháp luật.

Có hơn 30 đại biểu đăng ký phát biểu, tuy nhiên, do thời gian hạn chế nên chỉ có 16 đại biểu phát biểu.

Các ý kiến phát biểu khá tập trung; nhiều ý kiến đồng tình cao với nhiều quy định của dự thảo Luật đã chỉnh lý, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị lấy lại các quy định của dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

“Cân nhắc việc tiếp tục quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện và cấp xã”

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều nay. Ý kiến của đại biểu vẫn còn có sự khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng việc giữ lại thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện và cấp xã là cần thiết để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Đây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì cho rằng thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên vv... Một số ý kiến khác đề nghị không quy định cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Cần bổ sung quy định cấm văn bản từ cấp Bộ trở xuống quy định về thủ tục hành chính”

Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thì “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức, nên bản chất của thủ tục hành chính là sẽ tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, việc ban hành thủ tục hành chính phải được quy định hết sức chặt chẽ với một quy trình công khai, minh bạch, có đánh giá tác động, tham vấn ý kiến công chúng và thẩm định. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ và địa phương ban hành thủ tục hành chính tùy tiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; có loại thủ tục hành chính hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, kể cả những “giấy phép con” do các cơ quan quản lý tự quy định. Nhiều thủ tục hành chính được giao cho Chính phủ quy định nhưng các Bộ lại “lách” để quy định, gây khó khăn cho việc kiểm soát. Nghị định số 63 chỉ cho phép quy định thủ tục hành chính đến cấp tỉnh. Do vậy, dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này cần tiếp tục hạn chế chủ thể có quyền đặt ra thủ tục hành chính theo hướng nên quy định cấm ban hành các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật của cấp Bộ trở xuống để bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng, dự thảo Luật cần phân biệt quy trình xây dựng nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định một quy trình chung xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là chưa rõ ràng và chưa hợp lý. Về nội dung này, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đã phân biệt rõ quy trình xây dựng, ban hành nghị định quy định chi tiết luật, pháp lệnh và quy trình xây dựng, ban hành nghị định theo thẩm quyền của Chính phủ. Theo đó, chỉ nên quy định quy trình đầy đủ, chặt chẽ đối với loại văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ vì có chứa đựng chính sách mới. Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng cần quy định như vậy. Do vậy, tôi đề nghị lấy lại những quy định này.

“Nghị quyết của Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước không phải là văn bản pháp luật”

Đồng tình với khái niệm văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân Thảo đề nghị cần rà soát lại quy định về nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật quy định trong dự thảo Luật trên cơ sở khái niệm văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2 dự thảo Luật. Ví dụ như: tại điểm a khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật quy định Quốc hội ban nghị quyết để quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Theo tôi, những nghị quyết nêu trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

“Trình dự thảo văn bản quy định chi tiết đồng thời với việc trình dự thảo luật, pháp lệnh là không bảo đảm tính khả thi”

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận chiều hôm nay. Theo đó, các đại biểu đề nghị không nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này trước đây đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 nhưng đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã bỏ quy định này do thiếu tính khả thi. Do vậy tôi đề nghị Quốc hội bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

Liên quan đến vấn đề công bố và gửi văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Phùng Văn Hùng cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành phải được công bố để đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin cho các cơ quan tổ chức, cá nhân được biết. Dự thảo Luật mới có quy định về việc công bố luật, pháp lệnh tại Điều 77, còn các văn bản quy phạm pháp luật khác thì chưa có quy định về việc công bố sau khi ban hành. Do vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 77 việc công bố các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật khác cần bổ sung quy định công bố văn bản sau khi văn bản được ban hành.

Về việc đăng công báo, đại biểu Phùng Văn Hùng cũng nhấn mạnh, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, tại Điều 126 quy định “văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành” đây là quy định tiến bộ nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên dự thảo Luật lại không quy định nội dung này, Tôi đề nghị phải kế thừa quy định này trong dự thảo Luật.

Về việc gửi văn bản, theo đại biểu Phùng Văn Hùng thì Điều 12 dự thảo Luật mới quy định việc gửi văn bản quy phạm pháp luật để lưu trữ, trong khi đó chưa có quy định nào bắt buộc cơ quan ban hành văn bản phải gửi văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra sau khi được ban hành để các cơ quan này thực hiện việc giám sát, kiểm tra. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm gửi văn bản cho cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra để bảo đảm việc giám sát, kiểm tra.

Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại cuộc họp chiều nay, Ủy ban pháp luật sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Dự kiến ngày 22/6/2015, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Luật này.

Phương Liên