Bộ Tư pháp có kết quả tiết kiệm ngân sách nhà nước cao

12/05/2015
Chiều qua (11/5), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

Chính phủ cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2014 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng (gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) là 8.020 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 7.223 tỷ đồng) (chi tiết tại Phụ lục II và Phụ lục III). Trong đó, có một số bộ, ngành có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông - Vận tải tiết kiệm được 480.522 triệu đồng; Bộ Quốc phòng tiết kiệm được 290.947 triệu đồng; Bộ Tư pháp tiết kiệm được 86.729 triệu đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiết kiệm được 50.719 triệu đồng.

Năm 2014, cả nước đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 46.796 dự án hoàn thành, qua thẩm tra đã tiết kiệm cho NSNN 2.299 tỷ đồng… Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng; từ chối thanh toán 90 tỷ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi về NSNN 51.583 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 188 cuộc kiểm toán với tổng số tiền kiến nghị xử lý về tài chính là 23.425 tỷ đồng, trong đó: số tăng thu là 4.474 tỷ đồng; giảm chi là 7.461 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2014, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận thấy, còn không ít tồn tại, hạn chế mà xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, triệt để. Qua báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cho thấy, vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN còn nhiều. Tình trạng giao dự toán chậm so với thời gian quy định, giao nhiều lần, phải điều chỉnh nhiều lần trong năm diễn ra phổ biến ở các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Không ít các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương THTK, CLP trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí..

Qua kết quả kiểm toán năm 2014 và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra khá nhiều và trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Một số dự án được phê duyệt khi chưa xác định nguồn vốn, việc bố trí vốn cho các dự án còn tình trạng quá thời hạn quy định, nghiệm thu chưa đúng khối lượng, đơn giá, một số dự án suất đầu tư cao, đầu tư thiếu đồng bộ.

Tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) còn lớn vẫn chưa được xử lý triệt để. Tỷ lệ nợ đọng XDCB nguồn NSNN đến 30/6/2014 40.590 tỷ đồng, nợ đọng XDCB nguồn trái phiếu Chính phủ 4.004 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng đất tại một số địa phương còn hạn chế, sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, đặc biệt là lãng phí, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh. Tỷ lệ hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chưa cao. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản của doanh nghiệp tại một số địa phương vẫn còn sai phạm dẫn đến lãng phí tài nguyên, thất thu NSNN, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng khai thác trái phép nhất là khai thác gỗ, vàng và sa khoáng, đá, cát... ở một số địa phương chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường.

Hiệu quả sử dụng vốn NSNN tại các doanh nghiệp còn thấp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp vẫn chậm, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ khó đòi lớn, để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, hiệu quả sử dụng vốn thấp.

Việc tổ chức quá nhiều lễ hội đã gây lãng phí các nguồn lực. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tại một số lễ hội vẫn còn diễn ra các hoạt động chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, một số hiện tượng mê tín dị đoan trong khu vực lễ hội chưa được xử lý đúng mức... 

Vì vậy, để thực hiện tốt những quy định của Luật THTK, CLP, khắc phục những những tồn tại, hạn chế trong năm 2014 như đã nêu trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu THTK, CLP năm 2015 mà Chính phủ đề ra và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lưu ý tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về Luật THTK, CLP. Rà soát hệ thống định mức, chế độ, tiêu chuẩn để sửa đổi, bổ sung bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và phù hợp. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan về THTK, CLP theo quy định của Luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với các quy định của Luật THTK, CLP. Có cơ chế khuyến khích phát hiện lãng phí, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật./.

H.Giang