Nhân thân xấu sẽ không còn dấu hiệu định tội?

27/04/2015
Dưới sự chủ trì của Phó Hiệu trưởng Trương Quang Vinh, Trường Đại học Luật Hà Nội vừa tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong các nội dung, vấn đề được quan tâm thì có khá nhiều băn khoăn trước việc Dự thảo Bộ luật vẫn giữ quy định dấu hiệu nhân thân là dấu hiệu định tội danh.

Dự thảo Bộ luật đã bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án…” ở các tội chiếm đoạt tài sản và sự sửa đổi này được nhiều chuyên gia, giảng viên của Trường tán thành cho rằng là cần thiết và hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong Dự thảo còn hơn 60 điều quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính; đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án...” là dấu hiệu định tội. Đã có khá nhiều ý kiến tranh luận về dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án…” với ý nghĩa là căn cứ bổ sung để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tuyết Mai phát biểu, đây là dấu hiệu thuộc về nhân thân và không nên lấy nhân thân xấu để bổ sung cho các thiếu hụt về mức độ nguy hiểm của hành vi nhằm đủ mức để truy cứu TNHS.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa thì thẳng thắn nhận xét,việc quy định như vậy là trái với nguyên tắc hành vi của luật hình sự. Ông Hòa phân tích: Theo nguyên tắc hành vi, TNHS chỉ được đặt ra khi chủ thể thực hiện hành vi nhất định; một người không thể bị truy cứu TNHS về tư tưởng cũng như vì bất cứ đặc điểm nhân thân nào của họ. Trong luật hình sự, đặc điểm nhân thân nhất định có thể được xác định tại một số điều luật nhưng không có ý nghĩa xác định hành vi cấu thành tội phạm mà có ý nghĩa khác. Bởi đặc điểm nhân thân nhất định của chủ thể được xác định vì nó gắn liền với hành vi phạm tội như là điều kiện của hành vi phạm tội - không có đặc điểm nhân thân đó thì không thể thực hiện được hành vi phạm tội. Dấu hiệu định tội danh ở đây là dấu hiệu hành vi phạm tội mà không phải là dấu hiệu về nhân thân. Ngoài ra, đặc điểm nhân thân nhất định của chủ thể được quy định để giới hạn phạm vi chủ thể phải chịu TNHS, loại trừ các trường hợp không phải chịu TNHS.

Hơn nữa, đặc điểm nhân thân xấu (tái phạm, tái phạm nguy hiểm) được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng ở các tội danh cũng như là dấu hiệu tăng nặng TNHS nói chung. Trong trường hợp ấy, đặc điểm nhân thân xấu không có ý nghĩa quyết định hành vi trở thành hành vi phạm tội mà chỉ có ý nghĩa làm tăng mức hình phạt cho người thực hiện hành vi phạm tội để đảm bảo cho hình phạt đạt được mục đích. Không những thế, đặc điểm nhân thân nhất định của chủ thể được quy định là dấu hiệu giảm nhẹ TNHS thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước như người già, người có thành tích xuất sắc... Để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, khắc phục điểm bất hợp lý trong kỹ thuật lập pháp hình sự cũng như trong thực tiễn áp dụng luật hình sự, cần loại bỏ dấu hiệu nhân thân xấu là dấu hiệu định tội danh ở tất cả các điều luật.

Thục Quyên