Bộ luật Lao động (sửa đổi): Sẽ khắc phục tình trạng đình công không theo quy trình của pháp luật

02/06/2006
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật: Luật Về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật Về hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Cư trú; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công chứng.

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng trình bầy, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đình công và giải quyết đình công. Thực tiễn cho thấy, từ năm 1995 đến nay, trong cả nước đã xảy ra 1.250 cuộc đình công ở tất cả loại hình doanh nghiệp, nhưng nhiều nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các cuộc đình công đều phát sinh từ việc đòi bảo đảm các quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng; thời gian làm việc, nghỉ ngơi; bảo hiểm xã hội; định mức lao động; ký kết hợp đồng lao động; đòi hỏi người sử dụng lao động phải chấp hành đúng những quy định của Luật Lao động. Nhưng cũng từ thực tiễn cho thấy, các cuộc đình công xảy ra đều không theo đúng trình tự, thủ tục luật định… Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động là cần thiết nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về quyền đình công của người lao động; tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm sự lành mạnh của các quan hệ lao động và môi trường đầu tư, đồng thời xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của tập thể lao động, tổ chức công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động và đại diện người sử dụng lao động trước, trong và sau khi đình công… 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận: Việc triển khai thực thi pháp luật hiện hành đang tồn tại nhiều bất cập dẫn đến tình trạng đình công, xảy ra không đúng trình tự, thủ tục và có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế giám sát cho thấy không ít nơi, người sử dụng lao động vi phạm pháp luật một cách công khai, kéo dài nhưng chưa được giải quyết, xử lý nghiêm khắc nên quyền lợi của người lao động không được người sử dụng lao động quan tâm… Việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Lao động không kịp thời nên người sử dụng lao động và người lao động không biết và khó thực thi đúng pháp luật. Công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở còn lúng túng, chưa phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Chính quyền các cấp ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đến điều kiện lao động, ăn, ở, sinh hoạt của người lao động nhập cư… Xuất phát từ những vấn đề trên, Báo cáo thẩm tra dự án Luật nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, sau khi một số điều của Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung thì việc thực thi pháp luật sẽ có hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng đình công không theo trình tự quy định của pháp luật… 

Theo chương trình của kỳ họp, từ ngày 2 đến 9/6/2006, Quốc hội sẽ thảo luận 12 dự án Luật tại 2 hội trường: Hội trường Ba Đình và Hội trường D1, 37 Hùng Vương, Hà Nội.

(Theo website Chính phủ)