Thiếu trách nhiệm pháp nhân sẽ bỏ lọt nhiều vi phạm

24/04/2015
Đại diện của nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp thống nhất như vậy tại Hội thảo “Bộ luật hình sự (BLHS) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp (DN)” do Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Tư pháp tổ chức sáng 23/4 tại Hà Nội.

Vi phạm tinh vi cũng chỉ xử hành chính

Qua một số vụ việc do pháp nhân thực hiện gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như vụ của Công ty Vedan, Nicotex… làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng không xử lý được triệt để do thiếu nguồn qui định pháp luật. Còn việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm. Do đó, nhiều chuyên gia và đại diện các Hiệp hội, DN nhận thấy sự cần thiết phải có qui định về trách nhiệm pháp nhân trong BLHS.

Mặc dù có ý kiến cho rằng không nên qui định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì truyền thống pháp luật hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và hiện đã có chế tài hành chính, dân sự, kinh tế để xử lý các pháp nhân vi phạm, việc áp dụng chế tài hình sự sẽ ảnh  hưởng đến quyền lợi cho người lao động ngay tình, không có lỗi, song ông Lê Đăng Doanh – Đại học Luật Hà Nội chỉ ra, không có trách nhiệm pháp nhân thì nhiều vụ việc, nhất là trong những vụ việc có vi phạm tinh vi, cơ quan điều tra không thể tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ… khiến việc xử lý chỉ ở phần “ngọn”.

Thậm chí, vì pháp luật chỉ truy tố cá nhân nên nhiều pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài “lách luật” bằng cách khi có vi phạm thì công ty “mẹ” điều ngay Tổng giám đốc của Công ty “con” tại Việt Nam về nước và thay bằng Tổng giám đốc khác khiến pháp luật “bó tay”. Đại diện Hiệp hội ngân hàng cũng nhấn mạnh, nếu không xử lý được vấn đề trách nhiệm pháp nhân thì khó xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Song còn không ít điểm “vướng” cần phải được làm rõ khi bổ sung trách nhiệm pháp nhân trong BLHS như vấn đề xác định lỗi của pháp nhân, đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng khi toàn bộ ban lãnh đạo của pháp nhân bị truy tố hay giải quyết những ảnh hưởng của các hình phạt sẽ áp dụng cho pháp nhân đối với quyền lợi của người lao động…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu qui định giới hạn trách nhiệm pháp nhân đối với các tổ chức kinh tế thì khó tránh việc nhiều pháp nhân chỉ hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân để tránh trách nhiệm hình sự trong quá trình hoạt động…

Không thể có tội danh “quét”

Chính phủ đề xuất trong dự thảo BLHS (sửa đổi) không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS hiện hành) vì đã cụ thể hóa các hành vi mang tính chất “cố ý làm trái”, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thành 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và một số tội danh chung liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng tình với đề xuất này, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, nên bỏ Điều 165 vì nếu để qui định tội danh này sẽ dẫn đến tình trạng “không xác định rõ tội danh thì sẽ dồn hết vào tội này để tránh “bỏ lọt”. Tập đoàn xăng đầu Việt Nam cũng nhận thấy tội danh này chung chung, không cụ thể, phạm vi rộng, giống như “cái túi” để xử lý bất cứ vi phạm nào. Như vậy là không minh bạch và dễ bị lạm dụng.

Song, cân nhắc lợi ích giữa việc bỏ và giữ điều 165, đại diện Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, nếu không qui định điều 165 sẽ lọt nhiều tội nên không thể bỏ qui định này. Trước những ý kiến chưa đồng thuận, Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đề nghị, phải rà soát để qui định các tội danh trong BLHS, không thể có qui định tội danh để xử lý các hành vi chưa được xác định, chưa được rà soát. “Như vậy  thì người dân lại phải chịu hậu quả do sự yếu kém của nhà nước?” - LS.Trần Hữu Huỳnh lưu ý.

Huy Anh

Mở rộng nguồn luật tạo cơ hội bảo vệ “lợi ích nhóm”?

Đó là một lo ngại lớn nhất trước đề xuất được Chính phủ đưa ra về việc qui định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành. Ông Lê Đăng Doanh chỉ ra, cơ quan, ngành nào cũng có xu hướng “bảo vệ quyền lợi của cơ quan, ngành mình” thì việc mở rộng nguồn pháp luật hình sự có khả thi, có đảm bảo sự đồng bộ với nguyên tắc chung giữa BLHS và các qui định trong luật chuyên ngành? Hơn nữa, trong quá trình soạn thảo sẽ có một số qui định bảo vệ các lợi ích không phải là khách thể của tội phạm.

Tuy nhiên, Chính phủ nhấn mạnh, lựa chọn phương án “mở rộng nguồn luật hình sự” phải hết sức thận trọng. Nên dự thảo BLHS (sửa đổi) thể hiện theo hướng cho phép trong trường hợp cần thiết, các luật ban hành sau khi BLHS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có thể qui định tội phạm và hình phạt với những điều kiện chặt chẽ và xác định rõ nguyên tắc áp dụng các qui định này trong mối quan hệ với BLHS.