Một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

20/04/2015
Chiều ngày 15/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục điều hành phiên họp.
 

Tham dự hội nghị về phía đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành có đồng chí Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Cao Tấn Khổng, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo cấp vụ một số Bộ, ngành hữu quan; về phía các cơ quan của Quốc hội, ngoài các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có đại diện lãnh đạo cấp vụ của Văn phòng Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến. Các ý kiến thảo luận tập trung vào 6 vấn đề lớn là:

Vấn đề thứ nhất là về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, có vấn đề là có quy định cụ thể số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vào ngay trong dự thảo luật này không hay vẫn như luật hiện hành không quy định mà sau này sẽ do nghị quyết của Quốc hội khi thành lập các Bộ sẽ quyết định vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ, đây là những vấn đề được chắt lọc, tổng hợp lại trên cơ sở tiếp thu ý kiến để sắp xếp lại các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Vấn đề thứ ba là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, có nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo đi theo hướng cụ thể hóa Điều 96 của Hiến pháp năm 2013.

Vấn đề thứ tư là nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản giữ quy định của luật hiện hành, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và bổ sung thêm thêm một số thẩm quyền mới. Trong này có vấn đề như Thủ tướng có quyền là giao quyền Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp khuyết Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi Quốc hội chưa họp. Có nên giao quyền phê duyệt các nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi đưa ra Hội đồng nhân dân bầu hay không. Quan điểm có 2 loại ý kiến, loại đồng ý, loại không đồng ý. Bởi vì cho rằng có thẩm quyền phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, cho nên chỉ có một cơ chế này đã ôm cả vấn đề phê duyệt nhân sự.

Vấn đề thứ năm là về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có nên quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vào trong dự án luật này không? Hay chỉ quy định thẩm quyền này giao cho Chính phủ quy định khi ban hành nghị định quy định về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ như hiện nay.

Vấn đề thứ sáu là về số lượng cấp phó, trong dự thảo có nói đối với Thứ trưởng thì không quá 5, ở đây dùng từ "tối đa" nhưng dùng chữ "không quá" thì hợp lý hơn. Đối với Tổng cục hướng là không quá 4. Đối với cục, vụ, viện, tương đương không quá 3.

Đa số ý kiến của Đại biểu Quốc hội đều cho rằng hồ sơ được chuẩn bị khá công phu, những giải trình, tiếp thu khá đầy đủ và cơ bản với nhất trí với những nội dung dự thảo cũng như Tờ trình.

Đa số các ý kiến nhất trí cao về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ thống nhất với quy định như tại dự thảo. Trong dự án luật này không quy định số lượng cụ thể các Bộ và tên các Bộ mà để cho Quốc hội quyết định khi xem xét việc thành lập các Bộ này. Bên cạnh đó các ý kiến nhất trí với những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Chính phủ.

Các ý kiến cũng tán thành với việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng cụ thể hóa Điều 96 của Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực Chính phủ phải thống nhất quản lý nhà nước. Ở đây có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, cần phải quy định rõ và nên sắp xếp vị trí của nội dung này vào trong điều khoản đầu của chương này. Trong dự án luật này ở Điều 22 cũng đã có quy định về vấn đề này. Nhưng muốn rõ trách nhiệm của cả Chính phủ, của cả Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong dự thảo cần phải quy định rõ trách nhiệm phòng, chống tham nhũng không chỉ có chỉ đạo kiểm tra mà còn phải chịu trách nhiệm chung về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với cơ quan hành chính nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến đồng ý với dự thảo là bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc được giao quyền Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp khuyết Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong khi Quốc hội chưa họp giữa 2 kỳ họp. Đến kỳ họp là phải làm theo đúng quy định của Hiến pháp và của luật là phải trình Quốc hội để Quốc hội phê chuẩn và để Chủ tịch nước bổ nhiệm. Các ý kiến cho rằng không quy định Thẩm quyền phê chuẩn các nhân sự để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Bởi vì, trong Hiến pháp đã quy định thẩm quyền phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, đây là một cơ chế để Thủ tướng có quyền đồng ý hay không đồng ý với việc bầu của Hội đồng nhân dân. Không nên có quy định phê duyệt trước.

Về thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ý kiến cũng tán thành cơ bản như dự thảo và đề nghị quy định cụ thể hơn tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Về số lượng Phó thủ tướng, và số lượng cấp Thứ trưởng của Bộ trưởng: Về số lượng Phó thủ tướng ,một số ý kiến đề nghị không nên quy định bởi vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Về số lượng cấp Thứ trưởng của Bộ trưởng hiện nay dự thảo luật quy định không quá 5 Thứ trưởng, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, vấn đề này đã được bàn và đã quy định trong Luật sỹ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân vừa được Quốc hội thông qua. Đối với Bộ Ngoại giao, vấn đề này sẽ tính cụ thể, ví dụ: khi bổ nhiệm hàm đi làm đại sứ ở những nước trong quan hệ đối ngoại phải cử hàm Thứ trưởng đi lúc đó sẽ có biện pháp tính toán sau. Đối với Thứ trưởng đương chức ở bộ là không quá 5, theo nguyên tắc chung là như vậy.

Về Tổng cục, Cục, Vụ, số lượng phó cho đến bây giờ đang có ý kiến khác nhau, đa số ủng hộ dự thảo là đối với Tổng cục không quá 4; Cục, Vụ, Viện và tương đương không quá 3, nhưng cũng có ý kiến đề nghị rút lại hơn nữa. Vấn đề này sẽ được đưa ra ý kiến để báo cáo Quốc hội và Quốc hội quyết định.

Về phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các Bộ với chính quyền địa phương, đây là một vấn đề rất lớn, trong nguyên tắc quy định ở Điều 3 cũng có đặt ra. Ủy ban Pháp luật và cơ quan Bộ Nội vụ cũng đã trình với Thường vụ rất nhiều lần, hiện nay cố gắng quy định trong dự án luật những vấn đề nào thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của các Bộ mà không giao cho chính quyền địa phương trên cơ sở những nguyên tắc chung, những vấn đề lớn, còn những vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước thì để luật chuyên ngành. Nếu quy định hết trong Luật này thì cuối cùng sẽ không đồng bộ, không thống nhất với các luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm nguyên tắc những gì địa phương làm tốt thì để địa phương làm. Những gì mà Chính phủ, các Bộ giao cho địa phương thì phải quy định rõ giao cả các điều kiện để địa phương bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ, nhưng chế độ trách nhiệm vẫn là Chính phủ.

Vấn đề cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các ý kiến cho rằng, trong Hiến pháp, tại Điều 98 quy định "Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định việc điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", mặc dù việc bầu là do Hội đồng nhân dân bầu. Ở đây có thể hiểu rằng Hội đồng nhân dân, cơ quan quyền lực bầu ra Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì có cơ chế miễn nhiệm của Hội đồng nhân dân, bãi nhiệm của đại biểu, của cử tri đối với ông đó, nhưng vì Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có quyền phê chuẩn, cho nên Hiến pháp mới trao quyền cách chức cho Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm quyền của người đứng đầu cơ quan hành chính.

Có một số ý kiến cho rằng việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục, Cục như tại dự thảo là chưa thống nhất, bởi vì trên thực tế hiện nay có những Cục, Tổng cục do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định, có những Tổng cục, Cục lại do Bộ trưởng quy định. Các ý kiến đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định thì mới bảo đảm được sự thống nhất. Thông lệ lâu nay cũng giao cho Chính phủ quy định, Chính phủ quy định chức năng lớn của Bộ đó, còn từng đơn vị, ví dụ chức năng nhiệm vụ của nhà xuất bản v.v... thì giao cho Bộ trưởng quy định.

Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát lại thật kỹ tất cả những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội tại hội nghị này đã cho ý kiến để hoàn chỉnh lại dự án luật trước khi trình ra Quốc hội.

Đào Thị Hồng Minh