Về giảm tội danh tử hình
Việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật hình sự sửa đổi (BLHS). Về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS về hình phạt tử hình theo hướng: (i) Quy định rõ, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Theo đó, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng) phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; (ii) Mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; (iii) Mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; (iv) Thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.
Tại buổi họp báo Quý I/2015 diễn ra ngày 17/04 tại Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính nhấn mạnh về vấn đề chuyển, giảm án tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Ông cho biết, qua báo cáo của các cơ quan chức năng năm 2013, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi đạt chưa đến 10%, năm 2014 là trên 22%. So sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì trên thực tế tỉ lệ còn thấp hơn nhiều. Nếu trong trường hợp cứ thi hành án tử hình tội phạm tham nhũng như hiện nay, Nhà nước không những không thu lại được tiền, không triệt tiêu được tội phạm tham nhũng, mà vẫn phải thực hiện thi hành tử hình một con người. Kinh nghiệm chống tham nhũng của thế giới cho thấy Việt Nam có thể tham khảo, học tập. Một vấn đề đặt ra về việc dự thảo BLHS có quy định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nếu tội phạm nộp phạt một số tiền nhất định theo quy định của pháp luật thì phải chăng công lý có thuộc về người nhiều tiền? Phó Vụ trưởng Trần Văn Dũng cho rằng, đây là chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thu hồi số tiền tham nhũng – quy định rất tích cực và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Còn riêng đối với các tội phạm về ma túy thì chưa được xem xét chuyển và giảm án như tội phạm tham nhũng.
Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với Công ty cổ phần). Trong trường hợp này, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân thì sẽ không thể xác định được người phải chịu TNHS. Hơn nữa, sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể.
Nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của pháp nhân đối với hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm mang tính chất tội phạm. Như vậy, trước mắt tập trung vào nhóm tội hiện đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó, dự thảo Bộ luật chỉ quy định giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên
Vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự, BLHS hiện hành quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định này thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng. Hơn nữa, thực tế cho thấy, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa..., còn bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình...). Do đó, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Vì vậy, trách nhiệm hình sự của các em cần giới hạn trong phạm vi các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể.
Về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong BLHS hiện hành nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh trong Chương XVI Bộ luật hình sự hiện hành, dự thảo BLHS đã cập nhật, bổ sung thêm một số loại vi phạm mới mang tính chất “cố ý làm trái” trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo đó, dự thảo BLHS đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: (i) Sản xuất, kinh doanh, thương mại; (ii) Thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; (iii) Lĩnh vực kinh tế khác. BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất “cố ý làm trái” trong các lĩnh vực khác như: bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác.
Thanh Bình