Cần tiếp tục cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với các Thủ tục hành chính công

15/04/2015
Trên đây là đánh giá trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt là PAPI) năm 2014, được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng, Trung tâm Công tác Lý luận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp công bố ngày 14 tháng 4 năm 2015.

Kết quả đo lường về thủ tục hành chính công năm 2014 cho thấy thủ tục hành chính công tại các địa phương được người dân đánh giá cao hơn (với 6,89 điểm) so với bốn lĩnh vực nội dung về quản trị (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng), đứng sau một lĩnh vực (cung ứng dịch vụ công, với 6,99 điểm); tuy nhiên, lĩnh vực này hầu như không được cải thiện qua các năm. Cụ thể, năm 2011, điểm số đo lường trung bình đối với thủ tục hành chính công toàn quốc đạt 6,90 điểm, năm 2012 là 6,96 điểm, năm 2013 là 6,96 điểm và năm 2014 là 6,89 điểm.

Trong số bốn nhóm dịch vụ hành chính PAPI đo lường để đánh giá về thủ tục hành chính công ((i) dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, (ii) dịch vụ cấp giấy phép xây dựng, (iii) dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và (iv) dịch vụ hành chính công cấp xã/phường được đánh giá qua một số loại giấy tờ liên quan đến nhân thân), dịch vụ chứng thực, xác nhận được người dân đánh giá cao nhất (với mức điểm trung bình toàn quốc đạt 7,3 điểm); mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ chứng thực, xác nhận ở tỉnh Hà Nam cao nhất toàn quốc (7,83 điểm), tỉnh Cà Mau đứng cuối bảng với 5,18 điểm.

PAPI được thực hiện từ năm 2011 bằng phương thức khảo sát trực tiếp từ người dân và ngày càng được ghi nhận là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp, dựa trên kết quả đo lường về sáu nhóm nội dung: (i) sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (ii) tính công khai - minh bạch; (iii) trách nhiệm giải trình với người dân; (iv) kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (v) thủ tục hành chính công và (vi) cung ứng dịch vụ công.

Khác với Báo cáo PAPI các năm trước, Báo cáo PAPI năm 2014 không trình bày kết quả xếp hạng của toàn bộ các tỉnh/thành phố, mà trình bày kết quả theo sáu nhóm nội dung nêu trên, do đó không có tỉnh/thành phố nào xếp hạng cao nhất trong cả sáu nhóm nội dung, thay vào đó, có tỉnh, thành phố đứng đầu trong nhóm nội dung này nhưng lại không được xếp hạng cao trong nhóm nội dung khác.

Xếp hạng của các tỉnh/thành phố qua sáu chỉ số nội dung về quản trị năm 2014:

(i) Chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, cao nhất là tỉnh Quảng Trị (5,89 điểm), thấp nhất là tỉnh Ninh Thuận (3,96 điểm).

(ii) Chỉ số nội dung: Công khai - minh bạch ở địa phương, cao nhất là tỉnh Nam Định (6,82 điểm), thấp nhất là tỉnh Lai Châu (4,82 điểm).

(iii) Chỉ số nội dung: Trách nhiệm giải trình với người dân, cao nhất là tỉnh Quảng Trị (6,67 điểm), thấp nhất là thành phố Hải Phòng (4,51 điểm).

(iv) Chỉ số nội dung: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cao nhất là tỉnh Cà Mau (7,29 điểm), thấp nhất là tỉnh Điện Biên (4,85 điểm).

(v) Chỉ số nội dung: Thủ tục hành chính công, cao nhất là thành phố Đà Nẵng (7,61 điểm), thấp nhất là tỉnh Quảng Ninh (6,40 điểm).

(vi) Chỉ số nội dung: Cung ứng dịch vụ công, cao nhất là tỉnh Vĩnh Long (7,86 điểm), thấp nhất là tỉnh Bình Phước (6,01 điểm)./.

                                                          Bùi Hiển - Tổng hợp