Dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi): Bảo đảm giải quyết hiệu quả các khiếu kiện hành chính

09/04/2015
Dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi): Bảo đảm giải quyết hiệu quả các khiếu kiện hành chính
Sáng nay (9/4), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật tố tụng hành chính (TTHC) (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm cho dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính hiệu quả, chất lượng.

Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật TTHC hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 123 điều, sửa đổi, bổ sung 141 điều của Luật TTHC hiện hành và bổ sung 88 điều mới.

Dự thảo Luật tập trung vào cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng nhằm bảo đảm tranh tụng trong xét xử để Tòa án thực sự là chỗ dựa của dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm. Làm rõ khái niệm “quyết định hành chính” là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính (VAHC) để khắc phục cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn xét xử của các TAND trong thời gian qua. Bổ sung qui định về giải quyết VAHC theo thủ tục rút gọn, qui định về việc trong quá trình giải quyết vụ án, TA có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Sửa đổi, bổ sung qui định về thẩm quyền của từng cấp TA, phân định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để phù hợp với các qui định của Luật tổ chức TAND mới. Bổ sung qui định thủ tục giải quyết VAHC có yếu tố nước ngoài. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các qui định về thủ tục giám đốc thẩm để khắc phục những bất cập trong thực tiễn.

Đại diện TAND các tỉnh, thành phố như Hà Nam, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An… tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo như những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh, địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong TTHC, thủ tục rút gọn trong TTHC, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, thi hành án hành chính, xử lý các hành vi cản trở hoạt động TTHC.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị qui định quyết định buộc thôi việc đối với viên chức là đối tượng khởi kiện VAHC vì viên chức không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động nên không thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, TANDTC cho rằng, theo qui định của Luật Viên chức, việc khởi kiện quyết định thôi việc đối với viên chức thực hiện theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật lao động nên không bổ sung qui định quyết định buộc thôi việc đối với viên chức là đối tượng khởi kiện VAHC.

Hội thảo diễn ra đến hết ngày 10/4.

H.Giang