Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý kiến trúc xây dựng đô thị, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 này. Nếu được thông qua, Nghị định này sẽ tác động thế nào đến công tác quản lý đô thị ở Hà Nội? Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính trao đổi chung quanh các nội dung trên.
* Thưa Thứ trưởng, dường như đây là nghị định đầu tiên đề cập đến vấn đề quản lý kiến trúc xây dựng đô thị?
- Đúng vậy. Việt Nam có hơn 700 đô thị với hàng chục triệu dân đang cư trú, chiếm khoảng 26% dân số cả nước, song cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý có hiệu lực cao, thống nhất trên toàn quốc về quản lý kiến trúc đô thị.
* Vậy, "cái khuôn" mà nghị định sẽ tạo ra cho Hà Nội cũng như các đô thị khác như thế nào?
- Khuôn đó sẽ ép các đô thị phải đẹp hơn, thuận tiện hơn và đặc biệt là an toàn hơn. Hà Nội cũng không là một ngoại lệ, đó là chưa kể phải đi đầu thực hiện nghị định này.
* Xin ông làm rõ thêm khái niệm "an toàn hơn"?
Ông Trần Ngọc Chính.
|
- "An toàn" ở đây không chỉ là độ bền vững của các công trình, mà ở tầm vĩ mô, nó sẽ tạo ra một không gian sống chung hài hòa, thân thiện hơn với cộng đồng đang sinh sống trong đô thị lẫn những người có dịp tiếp cận với đô thị (công tác, tham quan, nghỉ ngơi). Cụ thể, thiết kế cao ốc như thế nào vừa tận dụng tối đa diện tích sử dụng, vừa bố trí đầy đủ hệ thống kỹ thuật, lối thoát hiểm; mật độ xây dựng như thế nào để bảo đảm đường giao thông, hạ tầng cơ sở...
* Các đô thị hiện nay ở Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm các tiêu chí đẹp, thuận tiện và an toàn như ông vừa nói?
- Đưa ra một tỷ lệ chính xác thì rất khó. Nhưng rõ ràng là vấn đề quản lý kiến trúc đô thị đang nổi lên như một bức xúc, vì vậy qua lấy ý kiến các ngành, các địa phương, đa số đều thống nhất coi đây là công cụ thiết yếu để quản lý đô thị.
Hà Nội là địa phương đã chú trọng đến công tác này, song cũng còn không ít hạn chế. Thí dụ, nhiều người nhắc đến là "nhà siêu mỏng", "nhà kỳ dị". Dù đã có văn bản rất rõ ràng, nhưng ở nhiều khu vực mới xây dựng, nhất là sau khi có một dự án lớn về hạ tầng được thực hiện (như ở khu vực Ngã Tư Sở chẳng hạn) thì loại nhà này vẫn mọc lên phổ biến mà không được xử lý nghiêm. Ở Hà Nội, quy hoạch kiến trúc của các khu đô thị mới nói chung là tạm ổn, nhưng loại công trình kiến trúc xây xen thường hay có vấn đề.
* Như ông đã nói, sau khi được ban hành, Nghị định sẽ là một công cụ quản lý thiết yếu của nhà quản lý. Vậy, những lợi ích mà người dân có được từ Nghị định là gì?
- Người chủ sở hữu sẽ xác định được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với công trình vì lợi ích của mình và của cả cộng đồng; hình dung được công trình của mình sẽ trở thành một bộ phận hữu cơ của toàn khu vực, toàn đô thị ra sao. Có thể coi như họ được "tư vấn" về một số chỉ tiêu kỹ thuật, độ cao, mầu sắc, chi tiết kiến trúc cho công trình của mình để không trở nên lạc lõng.
* Trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ hiểu biết và "gu" thẩm mỹ để làm như vậy...
- Vì thế, vai trò của các chuyên gia tư vấn kiến trúc quan trọng lắm. Nghị định có nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải tôn trọng quyền tác giả của các nhà tư vấn kiến trúc, không được "can thiệp thô bạo" vào công trình.
(Theo SGGP)