Trong những năm gần đây, các khiếu kiện phát sinh từ việc thu hồi đất của người dân để thực hiện mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Vì một số lý do, việc thu hồi đất của Nhà nước chưa được người dân đồng tình ủng hộ, thậm chí có những trường hợp người dân phản ứng mạnh mẽ với quyết định thu hồi đất. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm đến 63% tổng số các vụ khiếu nại của năm 2014.
Trong quá trình giải quyết các khiếu kiện đất đai, đối thoại được coi là một phương pháp hữu hiệu vì phân tích thấu đáo và toàn diện được mọi khía cạnh của mỗi vụ việc khiếu kiện từ cả phía các cơ quan nhà nước, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo ông Phạm Xuân Anh, Trung ương Hội luật gia Việt Nam, “phương pháp này giúp nhận diện những nguyên nhân “gốc rễ” làm phát sinh khiếu kiện để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân cùng hướng tới những phương án giải quyết một cách bền vững và lâu dài”.
Bên cạnh đó, phương án đối thoại đa chủ thể cũng giúp nhìn nhận vụ việc khiếu kiện ở cả tính hợp pháp và tính hợp lý để giúp giải quyết các vụ việc khiếu kiện một cách “thấu tình, đạt lý” thông qua việc xem xét vụ việc khiếu kiện không chỉ dựa trên các quy định pháp luật thực định mà còn tính đến các yếu tố nền tảng tạo nên quan điểm của các bên về vụ việc như văn hóa, truyền thống, nhận thức, bối cảnh xã hội...
Hương Giang