Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2011-2014, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra có nhiều cố gắng và tạo được sự chuyển biến về trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, chưa tạo được chuyển biến đều, sâu sắc, hiệu quả công tác còn thấp. Tổ chức, bộ máy thanh tra chưa thống nhất, tập trung. Một số đơn vị còn thiếu lực lượng, chất lượng đội ngũ chưa cao, công tác xây dựng nội bộ chuyển biến chưa toàn diện…
Do vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị có chủ trương sửa đổi Luật thanh tra để đổi mới tổ chức và hoạt động ngành thanh tra theo hướng nâng cao tính hệ thống của ngành thanh tra, tăng thẩm quyền và tính chủ động của cơ quan thanh tra trên cơ sở tổ chức lại hệ thống thanh tra nhà nước từ TƯ đến địa phương dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và đổi tên Thanh tra Chính phủ thành Thanh tra Nhà nước, qui định rõ chế tài, trách nhiệm trong thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật PCTN để “giải quyết tình trạng xung đột lợi ích đang khiến nhiều qui định pháp luật chưa phát huy hiệu quả, làm hạn chế hiệu quả công tác thanh tra, PCTN” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng bổ sung thêm.
Xuất phát từ thực tiễn công tác, đại diện các Bộ, ban, ngành TƯ đều đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của Thanh tra Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, PCTN. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp tán thành đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN, nhất là sửa đổi Luật Thanh tra và Luật PCTN. Vì vậy, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ động đánh giá việc thực thi các luật này, đề xuất chủ trương để hoàn thiện pháp luật về thanh tra và PCTN.
Biểu dương những nỗ lực trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở Thanh tra Chính phủ “còn tồn tại, hạn chế, còn nhiều việc phải làm để thanh tra xứng đáng là công cụ hữu hiệu sắc bén trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, bảo vệ quyền của tổ chức và cá nhân”.
Tán thành với những phương hướng, nhiệm vụ được Thanh tra Chính phủ xác định để nâng cao hiệu quả công tác và lưu ý một số vấn đề Thanh tra Chính phủ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư bày tỏ, “rất muốn thanh tra phải là cơ quan độc lập, chứ bị chi phối, dính vào lợi ích nhóm thì kết quả hoạt động sẽ bị méo mó” nên cũng đồng tình đề xuất của Thanh tra Chính phủ chủ động kiến nghị sửa đổi Luật thanh tra, PCTN, KNTC và các văn bản liên quan… để nâng cao hiệu quả các mặt công tác đáp ứng yêu cầu, tình hình mới./.
Hương Giang
Năm 2014, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 51.583 tỷ đồng (đã thu được 13.192 tỷ đồng), 1.682,6 ha đất; xử lý khác 13.777 tỷ đồng và 1.355,9 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 55 vụ việc.