Uỷ ban thường vụ QH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ban hành VBPL

09/03/2015
Chiều ngày 9/3, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban thường vụ QH đã thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Tại Phiên họp nêu trên, Ủy ban thường vụ QH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về vấn đề phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Luật và thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể.

Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật, ngày 16/8/2014, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Tờ trình số 288/TTr-CP về dự án Luật ban hành VBQPPL với phạm vi điều chỉnh là việc xây dựng, ban hành VBQPPL trên cơ sở hợp nhất 2 Luật hiện hành về ban hành VBQPPL. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 (ngày 22/9/2014), Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật thành “Luật Ban hành văn bản pháp luật” (bỏ 2 chữ quy phạm) và đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, nhưng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vẫn được giữ nguyên như khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật để quy định cả việc xây dựng, ban hành VBQPPL và văn bản hành chính. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nghĩa là chỉ điều chỉnh việc xây dựng, ban hành VBQPPL và lấy lại tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Ban hành VBQPPL”. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp dự kiến 2 phương án về dự thảo Luật tương ứng với hai loại ý kiến nêu trên. Tuy nhiên, theo phân tích được nêu trong Báo cáo số 3003/BC-UBPL13 ngày 05 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban pháp luật về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật thì Phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ không hợp lý, không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây cản trở cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Tại Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội Báo cáo số 60/BC-CP ngày 04 tháng 3 năm 2015 về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật. Theo đó, Chính phủ đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như Chính phủ đã trình Quốc hội là chỉ quy định về việc xây dựng, ban hành VBQPPL, còn việc xây dựng, ban hành văn bản hành chính sẽ được điều chỉnh bằng đạo luật khác là Luật ban hành quyết định hành chính; đồng thời, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép lấy lại tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Ban hành VBQPPL”. Theo báo cáo của Chính phủ thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là khó khả thi và khó đạt được mục đích ban hành Luật vì VBQPPL và văn bản hành chính có sự khác nhau lớn về bản chất, từ đó có sự khác biệt rất lớn về đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc ban hành, chủ thể ban hành, nội dung, thẩm quyền, hình thức văn bản, quy trình ban hành, hiệu lực thi hành và các nội dung khác như rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển, kiểm tra văn bản...; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không làm đơn giản hơn hệ thống pháp luật như mục đích mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra khi xây dựng dự án Luật mà còn làm phức tạp hơn hệ thống pháp luật của Nhà nước, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực thi pháp luật vốn đang rất yếu kém hiện nay, đồng thời cũng sẽ gây khó khăn cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Qua thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ và giao Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Luật này chỉ điều chỉnh về việc ban hành VBQPPL để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Về thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể, vẫn còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp. Có ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bỏ thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bỏ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ quốc hội hoặc Chính phủ với trung ương của các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần giữ lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ lại tất cả các hình thức thông tư liên tịch và nghị quyết liên tịch như Luật ban hành VBQPPL hiện hành để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi mà luật của Quốc hội chưa thể quy định cụ thể để có thể thi hành được ngay.

Như vậy, sau hai Phiên họp là Phiên 33 và Phiên 36, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất được vấn đề lớn là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sẽ chỉ điều chỉnh về việc xây dựng, ban hành VBQPPL; còn việc ban hành văn bản hành chính sẽ được quy định tại Luật Ban hành quyết định hành chính (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10). Như Chính phủ đã báo cáo, việc ban hành riêng Luật Ban hành VBQPPL là sự kế thừa kinh nghiệm lập pháp của nước ta vì trong lịch sử lập pháp của Nhà nước ta, Quốc hội đã ban hành 04 đạo luật về ban hành VBQPPL là Luật năm 1996, Luật năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 1996, Luật năm 2004 và Luật năm 2008.

Phương Liên