Ngày 31/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 6 dự án Luật: Luật Bình đẳng giới; Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật Quản lý thuế; Luật Dạy nghề; Luật Đê điều và Luật Thể dục, thể thao.
Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày đánh giá kết quả đạt được và tồn tại hạn chế trong công tác quản lý thuế thời gian qua. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, dự thảo Luật Quản lý thuế quy định theo hướng tách bạch nội dung quản lý thuế ra khỏi các luật thuế hiện hành, các luật thuế sau này chỉ tập trung vào quy định chính sách thuế. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật quy định người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Cơ quan thuế thực hiện chức năng quản lý thuế, trong đó chủ yếu là cung cấp dịch vụ công, giám sát tuân thủ pháp luật thuế thông qua kiểm tra, thanh tra, điều tra và cưỡng chế thi hành pháp luật thuế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý thuế vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm thống nhất, đồng bộ và cụ thể hơn các quy định về quản lý thuế, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác quản lý thuế, cải cách hành chính về thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện chiến lược cải cách thuế. Điều quan trọng của việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý thuế là phải khắc phục được những hạn chế của các quy định về quản lý thuế hiện hành; khắc phục tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, bảo đảm sự bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong nghĩa vụ nộp thuế...
(Theo website Chính phủ)