“Cởi trói” quy định cứng về tiêu chuẩn cán bộ pháp chế

26/02/2015
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy có nhiều bất cập và không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Thực tế đang đòi hỏi phải có sự linh hoạt về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế, người đứng đầu tổ chức pháp chế và điều này đang được Bộ Tư pháp dự kiến khi được giao chủ trì sửa đổi Nghị định 55.

Không bắt buộc phải có trình độ cử nhân luật

Theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế thì người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Trong thực tế, tiêu chuẩn nêu trên rất khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, nhất là ở các địa phương.

Kết quả thống kê cho thấy, hiện nay cả nước còn 1.430/5.177 người làm công tác pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương chưa có trình độ cử nhân luật. Tại một số Bộ, ngành và một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những cơ quan có tính chất chuyên ngành như y tế, tài chính, công thương, giao thông vận tải…, việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy có nhiều bất cập và không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Tại một số cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước, việc tuyển dụng người đứng đầu tổ chức pháp chế gặp nhiều vướng mắc vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn trên.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế, những quy định về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế sẽ được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, trong trường hợp công chức pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật thì có trình độ cử nhân chuyên ngành, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp. Trường hợp viên chức pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật thì có trình độ cử nhân chuyên ngành, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp…

Tránh tình trạng coi thường “pháp chế”

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ chia sẻ, ngoài những nhiệm vụ được định danh trong Nghị định 55, pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đảm nhiệm một loạt việc không tên khác, trong đó có cả việc trả lời kiến nghị cử tri. “Bộ chúng tôi phụ trách 8 lĩnh vực, làm việc gì cũng phải nhìn tổng hòa của hệ thống pháp luật, chứ không theo ngành dọc của hệ thống pháp luật. Nếu cán bộ pháp chế chỉ chuyên một lĩnh vực thì cũng không bao quát được. Bởi thế, nên giữ tiêu chuẩn cử nhân luật đối với cán bộ pháp chế” – bà Mỹ kiến nghị.

Tán thành quan điểm của bà Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thanh Bình cho rằng, cần giữ tiêu chuẩn cử nhân luật để tránh tình trạng “coi thường” pháp chế. Hơn nữa, việc “linh hoạt” tiêu chuẩn sẽ dẫn đến việc phải bỏ Điều 17 của Nghị định 55 về quy định chuyển tiếp. “Linh hoạt nhưng cũng phải cân nhắc sự nghiêm túc, hợp lý, không ảnh hưởng đến quản lý nhà nước” – ông Bình phát biểu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Việt Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) nêu thực tế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trước đây và Vụ trưởng hiện nay của Bộ Tài chính đều không có bằng cử nhân luật, nhưng họ đều là những người giỏi quản lý, giỏi chuyên môn. Bà Việt Anh đặt vấn đề: “Quy định cứng song không có biện pháp mạnh thì liệu có đảm bảo người đứng đầu có bằng cử nhân luật hay không?”. Còn theo ông Nguyễn Công Anh (Sở Tư pháp TP.Hà Nội), tiêu chuẩn với cán bộ làm pháp chế đúng là phải linh động, nhưng không đồng nghĩa với quy định dễ dãi. Ông Anh đề xuất, cần xuất phát từ vị trí việc làm, không quy định trình độ thì làm sao mà tuyển được, riêng bổ nhiệm cấp trưởng phụ thuộc nhiều yếu tố bởi không phải người có trình độ cử nhân luật đều có năng lực quản lý.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, thành công của Nghị định 55 là quy định cán bộ pháp chế phải chuyên trách. Tuy nhiên, từ thực tế của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tụng đồng tình phải tính đến quy định linh hoạt về tiêu chuẩn đối với cán bộ pháp chế. “Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát để có phương án hợp lý, cần có chuyên môn, nghiệp vụ về pháp lý, còn bắt buộc cử nhân luật hay không thì cần nghiên cứu tiếp, cứng quá không được đâu” – Thứ trưởng Tụng yêu cầu.

Cẩm Vân