Hội thảo đã thu hút hơn 20 vị đại biểu Quốc hội đến từ nhiều tỉnh, thành phố, đại diện Hội đồng Dân tộc và một số ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Đối ngoại, và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và cấp tỉnh của Việt Nam, đại diện của một số hãng luật tư nhân của Việt Nam và châu Âu và đại diện của các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ.
Bà Delphine Malard, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban chính trị, báo chí và thông tin của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh ”Quá trình hài hòa hóa pháp luật của châu Âu cung cấp một chuẩn mực chung nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, các tiêu chuẩn và thông lệ của thị trường chung châu Âu, điều có thể được dẫn chiếu như là một ví dụ thành công đối với những vấn đề sẽ được thảo luận ngày hôm nay. Tôi tin rằng việc chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu về vấn đề này có thể mang lại giá trị to lớn cho các nhà lập pháp của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh ban hành Hiến pháp năm 2013,và nhu cầu sửa đổi hệ thống pháp luật Việt Nam thích ứng Hiến pháp mới".
Tại Hội thảo, các chuyên gia của châu Âu đã chia sẻ kiến thức và thông tin về chuyển hóa luật và văn hóa trong quá trình và thực tiễn lập pháp của EU trước thực trạng, thách thức của Việt Nam. Đồng thời các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị ban đầu đối với chuyển hóa luật tại Việt Nam.
Việt Nam đang thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống pháp luật tới 2010 và định hướng 2020, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các thể chế trung tâm, đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp quyền và hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để không ngừng nâng cao hoạt động lập pháp thông qua việc tham khảo và du nhập pháp luật nước ngoài (chuyển hoá luật). Tuy nhiên, chuyển hóa luật vẫn là thuật ngữ tương đối mới và hoạt động này chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng bị coi là có một số điểm chưa tương thích với thực tiễn chuyển hóa luật trên thế giới.
Việc học hỏi kinh nghiệm bên ngoài, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu về chuyển hóa luật là cần thiết. Liên minh châu Âu có kiến thức sâu cả về lý thuyết và thực tiễn chuyển hóa luật. Liên minh là tổ chức đi đầu trong việc thúc đẩy các giải pháp chính sách và lập pháp vượt ra khỏi ranh giới truyền thống của hệ thống thông luật và dân luật hay giữa các nước phát triển và đang phát triển. EU - được đặc trưng bởi một hệ thống lập pháp độc đáo - đã chứng tỏ là một nguồn luật dồi dào, một môi trường pháp lý năng động và cũng cho thấy những ví dụ về cách thức mà trật tự pháp luật châu Âu được xây dựng. Tất cả những điều đó có thể đóng vai trò như một nguồn cung cấp thông tin và cảm hứng cho tiến trình chuyển hóa luật của Việt Nam./. H.Giang
Hương Giang