Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia GS.Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên ban soạn thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) và PGS.TS.Phùng Trung Tập – Đại học Luật Hà Nội.
Khẳng định các hình thức sở hữu phù hợp thực tiễn
Đây là 1 trong 10 nội dung của dự thảo BLDS (sửa đổi) được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo ông Dương Đăng Huệ, phần “quyền sở hữu và các vật quyền khác” là phần mới được xây dựng trong dự thảo nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề này.
Tập trung lý giải những thắc mắc của người dân về qui định hình thức sở hữu trong dự thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, BLDS hiện hành liệt kê 6 hình thức sở hữu nhưng qua thi hành thấy không hợp lý và phù hợp tình hình thực tiễn nên dự thảo BLDS (sửa đổi) qui định 3 hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. GS.Dương Đăng Huệ cho biết, cách qui định như vậy là để định vị sở hữu toàn dân”.
Nhưng có ý kiến cho rằng, chỉ nên qui định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng vì sở hữu toàn dân thực chất cũng chỉ là sở hữu chung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy, sở hữu toàn dân là sở hữu đói với một số tài sản đặc biệt như đất đai, tài nguyên… và do Nhà nước đạ diện sở hữu, chứ không hoàn toàn giống với sở hữu chung nên “coi sở hữu toàn dân là một hình thức cụ thể của sở hữu chung là như vậy là “tầm thường hóa” về vị trí chính trị, kinh tế, quốc phòng… của sở hữu toàn dân” - GS.Dương Đăng Huệ nhấn mạnh.
Từ góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Mạnh Khởi đề nghị, phải sửa đổi các qui định về sở hữu chung nếu không sẽ phát sinh nhiều vấn đề vì sở hữu chung thường có một hoặc nhiều mục đích và các chủ thể không có quyền như nhau như sở hữu nhà chung cư…
Bên cạnh đó, việc dự thảo BLDS (sửa đổi) không qui định hình thức sở hữu tư nhân như Hiến pháp 2013 được các chuyên gia giải thích là vì sở hữu tư nhân là sở hữu của một chủ thể (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) nên “nếu “ôm” nguyên như qui định của Hiến pháp về sở hữu tư nhân vào dự thảo sẽ không có tính khả thi khi thi hành” – ông Huệ cho biết. Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Khởi lý giải thêm, qui định hình thức sở hữu toàn dân là cơ sở để người dân xác định được quyền sở hữu của mình đối với tài sản quốc gia do Nhà nước đại diện sở hữu.
Dự thảo BLDS (sửa đổi) tiếp tục khẳng định, “tài sản thuộc quyền sở hữu tư nhân và tài sản của pháp nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị” nhưng cũng qui định “trừ trường hợp bộ luật này, luật có liên quan có qui định khác” khiến nhiều ý kiến lo ngại qui định dễ dẫn đến việc lợi dụng qui định này để hạn chế quyền sở hữu của công dân. Song ông Dương Đăng Huệ cam kết, “theo nguyên tắc, “quyền tự do của một người phải dừng lại khi quyền tương tự của người khác bắt đầu” nên dự thảo BLDS qui định như vậy nhưng không lo quyền sở hữu của công dân bị hạn chế tùy tiện vì đã có nguyên tắc trong HP “chắn”.
Không tùy tiện, chơi chữ khi qui định “vật quyền”
Ấn tượng mạnh với qui định về “các vật quyền khác” trong dự thảo, ông Phùng Trung Tập cho rằng, đây là khái niệm mới với Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Việc đưa khái niệm này vào dự thảo để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn mà trước đây do “bó” trong qui định về quyền sở hữu không giải quyết được. Nghĩa là qui định “vật quyền” là để mở rộng quyền cho người dân đối với tài sản.
Đây là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều nhất trong dự thảo BLDS (sửa đổi) vì bị cho rằng “khó hiểu” với đa số người dân. Song ông Dương Đăng Huệ lưu ý, việc qui định về “vật quyền” không phải là tùy tiện, chơi chữ thuần túy mà là để xử lý những vấn đề thực tiễn vì qui định “vật quyền” trong dự thảo bao gồm các quyền thực chất đã được qui định trong pháp luật hiện hành và bổ sung nhiều quyền khác, gồm quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền đối với bề mặt, quyền sở dụng tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước… để đa dạng hóa vật quyền và đảm bảo cho việc sử dụng tài sản hiệu quả.
Đánh giá cao chương về quyền chiếm hữu, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, qui định về quyền chiếm hữu không đơn giản là một quyền năng của quyền sở hữu như dự thảo BLDS (sửa đổi) là để bảo vệ quyền của chủ sở hữu và cả quyền của người chiếm hữu hợp pháp, phù hợp với giao lưu thương mại trong điều kiện hiện nay, tránh được những nguy cơ tranh chấp./.
Huy Anh