Khai mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

06/01/2015
Sáng ngày 05/01, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại trụ sở Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị, TƯ thảo luận và thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng gồm: Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - xã hội và Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; cho ý kiến về một số báo cáo, đề án để Bộ Chính trị tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng; và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư nêu rõ, “Năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI - một năm có ý nghĩa quyết định đối với việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI đã đề ra. Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng”

Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị TƯ, nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện, đặc biệt chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá sát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào chậm hoặc chưa vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách chưa sát, hợp với thực tiễn hay do những nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hoá, thể chể hoá và tổ chức thực hiện. Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình và những kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được đề ra tại Đại hội XI và được điều chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ. Chú ý phân tích, đánh giá sự đúng đắn, kịp thời của việc đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội khi chuyển sang tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng hợp lý. Từ thực tế đó có thể rút ra bài học về sự cần thiết phải nâng cao năng lực, chất lượng phân tích, dự báo tình hình và bài học phải bám sát thực tiễn để kịp thời có những điều chỉnh cần thiết về chủ trương, chính sách, biện pháp cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ; chú trọng khâu cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng?

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua, Báo cáo Kinh tế - Xã hội cần xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực. Chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu TƯ thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và các kiến nghị của Bộ Chính trị về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng khoá XI. Chú ý phân tích, chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do từ quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị?...

Với việc lấy phiếu tín nhiệm của TƯ đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư , Tổng Bí thư nhấn mạnh, “thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ về các mặt và tinh thần trách nhiệm trong công tác; đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tuy nhiên, “việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, lại được tiến hành lần đầu, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần bảo đảm việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, xây dựng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá” – Tổng Bí thư lưu ý./.

H.Giang