Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại

25/12/2014
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 97,7% trong tổng số trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, là  những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường và trong các quan hệ kinh doanh thương mại. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chia thành ba loại căn cứ vào quy mô đó là: (1) doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), (2) doanh nghiệp nhỏ và (3) doanh nghiệp vừa.
 

Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 50 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động. Ở mỗi nước đều có tiêu chí riêng để xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước mình. Ở Việt Nam, theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định số lượng lao động trung bình hàng năm từ 10 người trở xuống được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 10 đến dưới 200 người lao động được coi là doanh nghiệp nhỏ và từ 200 đến 300 người lao động thì được coi là doanh nghiệp vừa.

Ở mỗi nền kinh tế quốc gia hay lãnh thổ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều giữ những vai trò với mức độ khác nhau, song nhìn chung cũng như các nước trên thế giới doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có một số vai trò quan trọng tương đồng như sau:

Một là, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế: các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp (Ở Việt Nam chỉ xét các doanh nghiệp có đăng ký thì tỷ lệ này là trên 97,7%). Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể;

Hai là, giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là thanh giảm sốc cho nền kinh tế;

Ba là, làm cho nền kinh tế năng động: vì doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh (xét về mặt lý thuyết) hoạt động;

Bốn là, tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh;

Năm là, là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có mặt ở khắp các địa phương và là người đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương;

Sáu là, đóng góp không nhỏ giá trị GDP cho quốc gia.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam (VINASME), khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, chủ yếu mang lại lợi ích đặc biệt cho nguồn lao động chưa qua đào tạo. Trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là “động cơ chạy chính cho nền kinh tế” Việt Nam. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, là khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…) mà thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Do vai trò quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều quốc gia đã có các chính sách rõ nét của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…. Tại Hàn Quốc, Bộ Lập pháp Hàn Quốc đã xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật, các luật sư, luật gia để tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc trong các vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại, mỗi vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại của mỗi doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ tối đa 2 triệu Won/doanh nghiệp vừa và nhỏ/năm.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta bước đầu cũng đã chú trọng công tác khuyến khích loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Các hỗ trợ mang tính thể chế để khuyến khích bao gồm: các hỗ trợ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi (xây dựng và ban hành các Nghị định về doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi trong cấp giấy phép, cung cấp thông tin,...), những hỗ trợ bồi dưỡng năng lực doanh nghiệp (đào tạo nguồn lực quản lý, hỗ trợ về công nghệ,...), và những hỗ trợ về tín dụng (tạo cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ,...), và những hỗ trợ khác (như mặt bằng kinh doanh trong các khu công nghiệp…). Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng mới chỉ bước đầu và chưa thực sự tạo được vai trò rõ nét của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong đó có lĩnh vực pháp luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ý kiến của các chuyên gia pháp luật tại Việt Nam, trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại Việt Nam trong thời gian qua thì doanh nghiệp vừa và nhỏ đa phần là bị thu thiệt và không tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhiều doanh nghiệp bị thua trong các vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại thường do sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như kỹ năng vận dụng và áp dụng pháp luật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài ra cũng do Lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đến kiến thức pháp luật trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chỉ vướng vào một vài vụ tranh chấp kinh doanh thương mại và do bị thua thiệt không tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên đã bị giải thể, phá sản, khiến cho cơ hội kinh doanh không thể thực hiện được.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để thi hành Hiếp pháp năm 2013 Quốc hội đã ban hành hoặc đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một loạt các đạo luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang tham gia đàm phán và sẽ gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc thực hiện các Hiệp định thương mại lớn này đã tạo ra cơ hội cho đất nước đẩy mạnh đổi mới nền kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo lập thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được tham gia vào môi trường cạnh tranh mạnh hơn, năng động hơn, tạo ra động lực quan trọng giải phóng sức sản xuất trong nước, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn tiềm năng sẵn có của đất nước. Nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo nhiều tranh chấp kinh doanh thương mại xảy ra ngày càng gia tăng theo cấp số nhân và chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tố tụng. Ví dụ, theo thống kê của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội số vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại được thụ lý hàng năm chiếm 1/3 trong tổng số vụ án tại Tòa, Tòa án TP. Hồ Chí Minh phải xét xử 1/4 vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa.

Khảo sát gần đây của Bộ Tư pháp[1] đối với 237 cá nhân, tổ chức kinh doanh thì có đến 57,8% ý kiến cho rằng đã giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, 46,8% ý kiến thông qua tòa án, 22,8% ý kiến thực hiện hòa giải và có 16,9% ý kiến sử dụng trọng tài thương mại. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc thành công thông qua giải quyết thương lượng, hòa giải là rất ít, đa số phải đưa ra xét xử tại Tòa án, trong khi đó, công tác xét xử các tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án và Trọng tài thương mại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Bộ có chức năng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ và đối tượng doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, kể từ khi giai đoạn thương lượng, hòa giải và trong trường hợp cần thiết thì hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tố tụng tại trọng tài, tòa án. Việc hỗ trợ của Bộ Tư pháp đại diện cho Nhà nước sẽ làm tăng tỷ lệ thành công của các tranh chấp kinh doanh thương mại ở giai đoạn thương lượng, hòa giải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại trọng tài, tòa án.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ngày 22 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1962/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó có nội dung triển khai xây dựng “Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại”. Thời gian hoàn thành năm 2016. Đây là việc làm rất cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và cho nền kinh tế xã hội nói chung vì những lý do cơ bản như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp không ít khó khăn khi phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị giải thể, phá sản do thua thiệt trong các tranh chấp kinh doanh thương mại trong thời gian qua;

Thứ hai, việc Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện các cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế khiến cho những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hoá quốc tế sẽ tác động mạnh hơn, nhanh hơn đến thị trường trong nước, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều tranh chấp kinh doanh thương mại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức nước ta (bao gồm cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực, cán bộ trọng tài, tòa án, kiểm soát...) còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, phần khách quan do nội tại nền kinh tế nước ta như cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, gây mất lòng tin cho doanh nghiệp..., tuy nhiên, phần lớn là do chủ quan các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự có cơ hội tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong kinh doanh khiến quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại không được bảo đảm. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, đòi hỏi cả Nhà nước và doanh nghiệp phải có những giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành xây dựng Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại để trình Thủ tướng Chính phủ năm 2016, trong đó xác định vai trò của Bộ Tư pháp như sau:

Một là, Bộ Tư pháp chủ trì hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại;

Hai là, chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại;

Ba là, tổ chức bồi dưỡng thường xuyên kiến thức pháp luật cho các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời thực hiện thông tin pháp luật, bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bốn là, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết công tác thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại.

Năm là, Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là đầu mối tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại địa phương và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động trên theo quy định và hàng năm tổng kết, báo cáo kết quả cho Bộ Tư pháp để báo cáo Chính phủ.

 Trần Minh Sơn


[1] Khảo sát của Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ Tư pháp) trong quá trình xây dựng Luật Luật sư.