Một số bất cập, vướng mắc trong các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh

25/12/2014
Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng đến công tác hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, ngoài việc ban hành kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, tỉnh cũng đã ban hành hệ thống các văn bản về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên các lĩnh vực.
 

Tuy nhiên, trong các chính sách đó vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc như: trùng lặp, thiếu thống nhất với nhau, thiếu cụ thể gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu, áp dụng, cụ thể:

1. Những quy định trùng lặp

a. Chính sách hỗ trợ giải phóng, san lấp mặt bằng

Tại điểm 3.1 khoản 3 điều 5 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 21/3/2012 về việc ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và khoản 2 điều 4 Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới cùng quy định về chính sách hỗ trợ giải phóng, san lấp mặt bằng: Khuyến khích nhà đầu tư tự bỏ vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được khấu trừ vào tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất theo quy định.

b. Chính sách hỗ trợ chi phí quảng cáo

Tại khoản 5 điều 7 Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và các Khu công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh và điều 10 Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Hà Tĩnh cùng quy định về chính sách hỗ trợ chi phí quảng cáo: Được giảm 50% chi phí quảng cáo trên báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh cho sản phẩm mới của đơn vị mình trong thời gian 01 năm (không quá 10 lần trên mỗi loại phương tiện thông tin). Diện tích quảng cáo trên mặt báo không quá 1/4 trang, thời lượng quảng cáo trên Đài Phát thanh Truyền hình không quá 1,5 phút.

c. Chính sách hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn

Tại điểm 3.3 khoản 3 điều 5 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND và khoản 3 điều 6 Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND) cùng quy định mức hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn: 500 triệu đồng cho các dự án có tổng vốn đầu tư dưới 30 tỷ đồng; 01 tỷ đồng cho các dự án có tổng vốn đầu tư từ 30 đến 50 tỷ đồng; 02 tỷ đồng cho các dự án có tổng vốn đầu tư trên 50 đến 200 tỷ đồng; 03 tỷ đồng cho các dự án có tổng vốn đầu tư trên 200 đến 300 tỷ đồng; 04 tỷ đồng cho các dự án có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

d. Chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào

Tại điểm 3.2 khoản 3 điều 5 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND và khoản 1 điều 6 Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND cùng quy định mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông: Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 50% kinh phí làm đường giao thông theo thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng.

e. Chính sách khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công vận động xúc tiến đầu tư và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính về đầu tư

Điều 12, 13 Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND; điều 9, 10 Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND quy định việc khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công vận động xúc tiến đầu tư và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính về đầu tư như sau:

+ Tổ chức, cá nhân có công vận động, xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư trong nước có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên đầu tư vào KKTCKQT Cầu Treo, KKTVũng Áng và các Khu Công nghiệp của tỉnh (trừ các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu vực kinh doanh của mình) được UBND tỉnh xem xét trích thưởng.

+ Các tổ chức, cá nhân đầu tư tại KKTCKQT Cầu Treo, KKT Vũng Áng và các Khu công nghiệp của tỉnh được áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại Ban Quản lý KKTCKQT Cầu Treo, Ban Quản lý KKT Vũng Áng; Các tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối là Ban Quản lý KKTCKQT Cầu Treo, Ban Quản lý KKT Vũng Áng để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

+ Nhà đầu tư được miễn mọi khoản chi phí có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư vào KKTCKQT Cầu Treo, KKT Vũng Áng, trừ các khoản phí và lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

g. Chính sách hỗ trợ thông tin

Điều 11 Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND và điều 8 Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND cùng quy định: Nhà đầu tư được Ban quản lý KKTCKQT Cầu Treo, Vũng Áng và các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn và cung cấp miễn phí các thông tin cần thiết trong quá trình khảo sát, lập dự án đầu tư, trừ chi phí bắt buộc theo quy định hiện hành của nhà nước.

2. Những quy định thiếu thống nhất

a. Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động quy định tại các văn bản thiếu thống nhất về mức hỗ trợ, cụ thể:

Tại khoản 2 điều 6 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND quy định: Những dự án đầu tư thường xuyên sử dụng trên 100 lao động (có hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động) được hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/khóa; Những dự án đầu tư thường xuyên từ 50 đến 100 lao động (có hợp đồng lao động và BHXH) được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/người/khóa.

Tuy nhiên, tại điều 9 Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND lại quy định: Hỗ trợ kinh phí tối đa 02 triệu đồng/người/khóa đối với những dự án sử dụng thường xuyên từ 100 lao động trở lên và hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/khóa đối với những dự án sử dụng từ 50 đến dưới 100 lao động.

Trong khi đó, tại khoản 4 điều 7 Quyết định 16/2007/QĐ-UBND thì mức hỗ trợ lại khác: Dự án sử dụng thường xuyên từ 50 lao động trở lên, được hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nhưng tối đa không quá 1 triệu đồng/người/khóa; Dự án sử dụng thường xuyên từ 20 đến 49 lao động được hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nhưng tối đa không quá 700 ngàn đồng/người/khóa.

b. Chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước

Tại khoản 3 điều 6 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ đối với việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế: 05 triệu đồng/sáng chế; đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: 03 triệu đồng/kiểu dáng công nghiệp; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: 02 triệu đồng/nhãn hiệu.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 điều 9 Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 23/6/2014 ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 (Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND) lại quy định: Hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp: 06 triệu đồng/kiểu dáng; Hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ: 04 triệu đồng/01 nhãn hiệu (riêng đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể: 10 triệu đồng/01 nhãn hiệu, được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận: 15 triệu đồng/01 nhãn hiệu); Hỗ trợ sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế: 15 triệu đồng/01 sáng chế.

3. Những quy định thiếu tính cụ thể

a. Chính sách đất đai

- Khoản 1 điều 4 Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND quy định: Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được hưởng ở mức tối đa các ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước theo các quy định hiện hành.

- Khoản 1 điều 4 Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND: Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuê đất, khung giá thuê đất với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b. Chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách đối với người lao động

Khoản 1 điều 4 Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 quy định: các tổ chức, cá nhân được hưởng các chính sách về đất đai, chính sách thuế và chính sách đối với người lao động theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

Từ thực tế đó, để phát huy hiệu quả các chính sách của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu và áp dụng các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn nói riêng và chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh nói chung, tạo sự thống nhất trong hệ thống các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh, thiết nghĩ UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tổng thể các chính sách để xây dựng một văn bản quy định chung nhất về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở văn bản này, yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện rà soát trong phạm vi lĩnh vực, ngành mình phụ trách để tham mưu xây dựng các văn bản về chính sách mang tính đặc thù của lĩnh vực, tránh trường hợp quy định lại các chính sách gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng văn bản. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cũng cần tăng cường sự phối hợp với nhau trong quá trình xây dựng các văn bản, chính sách; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý văn bản quy phạm pháp luật, huy động sự tham gia của các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp đối với các chính sách liên quan đến doanh nghiệp./.

 Kim Lân