Nhiều quy định được ban hành nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Không ít quy định mới chỉ dừng ở việc phản ánh lợi ích cục bộ của ngành, của nhóm lợi ích mà chưa mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hộị. Tính ổn định, tính minh bạch (rõ ràng), tính dễ tiên liệu của một số quy định pháp luật còn hạn chế. Có những luật trình Quốc hội nhưng Quốc hội đã quyết định dừng hoặc lùi lại so với Chương trình xây dựng luật do chưa đảm bảo chất lượng; có những luật trình Chính phủ (hoặc do cơ quan khác trình xin ý kiến Chính phủ), Chính phủ đã quyết định dừng hoặc lùi lại so với Chương trình xây dựng luật; có một số Luật được Quốc hội thông qua nhưng nội dung chính sách không định hướng được trong luật mà giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể. Do đó, trên thực tế nhiều văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm so với hiệu lực của Luật, Pháp lệnh và như vậy Luật, Pháp luật và kể cả Nghị định phải chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. Chính sách không đồng bộ dẫn đến việc áp dụng luật còn khó khăn cho xã hội, cho doanh nghiệp. Do đó dẫn đến chất lượng của pháp luật - sản phẩm của hoạt động xây dựng pháp luật, về một số mặt nhất định, chưa đảm bảo tương thích với tính chất của một nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xét về một số mặt chưa tiến tới đạt được các “chuẩn” của hội nhập kinh tế quốc tế.
Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như các nước khác, Việt Nam phải đảm bảo chính sách, pháp luật của nước mình phù hợp với những tiêu chuẩn chung của WTO. Do đó, các yêu cầu về tính minh bạch hệ thống pháp luật trong các Hiệp định và thỏa thuận của WTO trở thành các tiêu chuẩn mà pháp luật Việt Nam cần phải bảo đảm trong thời gian tới. Với mục tiêu đó, các nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO bao gồm những quy định cơ bản như sau:
Thứ nhất, các quy định về nghĩa vụ yêu cầu các nước thành viên phải đăng tải tất cả các luật, quy định chung trước khi thực thi các luật, quy định chung này.
Thứ hai, các quy định yêu cầu các nước thành viên phải thông báo các chính sách có liên quan đến hoạt động thương mại của mình tới WTO và các nước thành viên;
Thứ ba, các quy định liên quan đến việc thực thi các quy định của nhà nước một cách nhất quán, đồng bộ, công bằng và hợp lý; và các quy định liên quan đến quyền được yêu cầu xem xét lại các quyết định trước khi thực thi.
Xuất phát từ các quy định của nguyên tắc nêu trên của WTO, quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật ở nước ta cần được thực hiện theo một quy trình minh bạch. Các chính sách, pháp luật, quy định cần được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi công dân, thể nhân trong và ngoài nước có thể tiếp cận một cách thuận lơi và nhanh chóng nhất. Việc ban hành, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách cần được thực hiện theo chiều hướng nhất định để tránh gây ra tình trạng thay đổi và điều chỉnh đột ngột làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và toàn xã hội. Các chính sách hỗ trợ hoặc các gói kích cầu của chính phủ cần được thực hiện công khai.
Doanh nghiệp là chủ thể chịu tác động trực tiếp từ các quy định của WTO đặc biệt là từ các tác động của quá trình cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Các hoạt động cạnh tranh và đào thải giữa các doanh nghiệp theo những nguyên tắc của nền thương mại toàn cầu diễn ra với mức độ ngày càng cao và phạm vi rộng. Để thích nghi cao với môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên tự do, minh bạch và công bằng trong WTO, ngoài việc tuân thủ những tiêu chuẩn cần có của một doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong việc tham vấn xây dựng chính sách, pháp luật để có hành lang pháp lý vững chắc, phù hợp với với nền kinh tế mở cửa theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua việc cơ quan nhà nước lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả, do đó, việc triển khai xây dựng “Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” là rất cần thiết vì một số lý do cơ bản như sau:
Thứ nhất, một số cơ quan nhà nước lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp vào việc xây dựng chính sách, pháp luật chưa theo một quy trình rõ ràng về việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp. Trên thực tế, chúng ta cũng chưa có một quy trình tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, pháp luật đặc biệt là theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO;
Thứ hai, cách thức thực hiện tham vấn ý kiến doanh nghiệp trong xây dựng và hòa thiện chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, chưa có quy định về việc tiếp thu và không tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam (chiếm 97,7% trong tổng số cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam) chưa thực sự tham gia có hiệu quả vào quá trình góp ý xây dựng chính sách, pháp luật;
Thứ ba, việc xây dựng và ban hành các Thông tư chưa được thực hiện tham vấn và lấy ý kiến của doanh nghiệp một cách bài bản, có hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhưng nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là các Thông tư không được lấy ý kiến rộng rãi khiến chất lượng nhiều thông tư thời gian qua cũng đã cho thấy khi ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung ngay và nhận nhiều dư luận không tốt từ doanh nghiệp và xã hội (Ví dụ: ngực lép không được lái xe; phạt xe không chính chủ;…).
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ngày 10 tháng 7 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Trên cơ sở đó, ngày 22 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó xác định rõ việc xây dựng “Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” trong thời gian tới (dự kiến năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Theo đó, tham vấn ý kiến doanh nghiệp được hiểu: là hành động có chủ đích của cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thông báo, hỏi và lắng nghe, thảo luận với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một giải pháp, chính sách, pháp luật nào đó hoặc những người có liên quan có quan tâm đến chính sách, pháp luật, giải pháp sắp được ban hành hoặc đã được ban hành. Qua đó doanh nghiệp được tổ chức các cơ hội để họ bày tỏ các quan điểm về ý kiến của mình theo những kênh thu nhận đã công bố và có cơ chế để những quan điểm, ý kiến này được người ra quyết định xem xét và cân nhắc trước khi quyết định đó được thông qua. Họat động tham vấn ý kiến doanh nghiệp có thể theo các hình thức:
- Hình thức chủ động: đại diện cơ quan nhà nước tổ chức nghe ý kiến của doanh nghiệp;
- Hình thức bị động: công bố để doanh nghiệp gửi thư góp ý tới chính quyền theo địa chỉ công bố (dân nguyện).
Mục đích tham vấn tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhằm tập thói quen tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; chọn ý kiến hay, hiến kế; nghe phản hồi về tác động của chính sách, pháp luật và khả năng chấp hành và đánh giá mức đạt mục đích của chính sách, pháp luật khi thi hành. Qua đó, Ban Soạn thảo cũng đã định hướng một số công cụ tham vấn như: tổ chức hội nghị lấy ý kiến (theo từng cấp thể hiện trong kế họach cụ thể từng cơ quan); khảo sát thực địa, thị sát, khảo sát, giám sát. Nhằm mục đích: tiếp xúc, tiếp nhận chứng cứ; sử dụng các hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền thông hỗ trợ) nhằm cho doanh nghiệp biết cơ quan nhà nước đang tiến hành họat động với những nội dung gì qua đó doanh nghiệp góp ý bằng văn bản, thư kiến nghị…; tiếp nhận thư, đơn khiếu nại (tùy theo lĩnh vực) và phản hồi; điều tra xã hội học, khảo sát- tổ chức nghiên cứu độc lập.