Phòng, chống tham nhũng trong xóa đói, giảm nghèo: Cộng đồng “ra tay” mới ngăn tham nhũng, lãng phí

22/12/2014
Các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định, đặc biệt phải kể đến tình hình tham nhũng từ việc triển khai thực hiện và cơ chế quản lý do sự sơ hở, bất cập từ các qui định của pháp luật, cơ chế quản lý lỏng lẻo… nên cần sự giám sát của cộng đồng để hạn chế các hành vi tham nhũng.
 

Phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát “nâng cao hiệu quả hiệu quả hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án XĐGN nhằm phòng ngừa tham nhũng” tại Điện Biên, Thanh Hóa, Trà Vinh và Quảng Ngãi. Kết quả được công bố sáng qua (19/12) cho thấy, hoạt động giám sát, cộng đồng đã góp phần ngăn ngừa các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án XĐGN nhưng hiệu quả của hoạt động này vẫn chưa cao, vẫn mang tính hình thức.

Phổ biến tham nhũng qua “bớt xén nguyên liệu”

Trong bối cảnh tình hình tham nhũng  trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản ngày càng phức tạp và phổ biến, phòng ngừa tham nhũng là một trong những mục tiêu quan trọng của hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án nói chung và các chương trình, dự án XĐGN nói riêng. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng trực tiếp vào những lĩnh vực, những khâu tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất và thực tế cho thấy đã xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất kịp thời phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý, khắc phục hậu quả.

Dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất trong các dự án XĐGN là “dự án kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án”. Ngoài ra trong các dự án XĐGN còn có các hành vi tiêu cực cụ thể như sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, bớt xén nguyên liệu, nâng giá nguyên liệu, thi công sai thiết kế, hỗ trợ không đúng đối tượng, trong đó sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, bớt xén nguyên liệu là hai hành vi tham nhũng, lãng phí phổ biến nhất, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tính bền vững của dự án.

Hiện có nhiều tổ chức thực hiện chức năng giám sát, phạm vi rất rộng nhưng các công trình, dự án XĐGN thuộc phạm vi giám sát của chủ thể giám sát đầu tư cộng đồng thường có qui mô nhỏ và vừa, tác động và ảnh hưởng đến môi trường không nhiều nên nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến PCTN chiếm tỷ lệ chưa cao, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quyền hạn các chủ thể giám sát “không rõ ràng, đầy đủ” là khó khăn, cản trở đối với hoạt động giám sát, thông tin đến người dân không đầy đủ, trách nhiệm phản hồi các kiến nghị, phản ánh của hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng từ các cơ quan có thẩm quyền chưa cao. Theo ông Dương Văn Phương – UBMTTQ tỉnh Trà Vinh, “nhiều nơi ban giám sát còn mang tính hình thức, chưa mạnh dạn kiến nghị, đề xuất và khi kiến nghị cũng chưa có hiệu quả”.

Gần 20% người dân không phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực

Cả người dân và cán bộ, công chức đều đánh giá, hiệu quả của các chủ thể thực hiện hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án XĐGN, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tiếp nhận, phản hồi, xử lý phản ánh, kiến nghị đối với các hành vi vi phạm và việc khắc phục sai phạm của đầu tư, nhà thầu vẫn thấp. Nhưng có đến 80,1% người dân sẽ phản ánh, kiến nghị tới các tổ chức giám sát cộng đồng khi biết có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các dự án XĐGN vì 88,1% người dân cho rằng hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong các dự án, công trình XĐGN.

Tuy nhiên, do lo ngại sợ trả thù, không biết phải phản ánh kiến nghị với ai, nghĩ là sẽ không có hiệu quả nên vẫn còn đến 19,9% người dân không phản ánh khi biết có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các dự án XĐGN. Bên cạnh đó, qua khảo sát của Viện Khoa học Thanh tra, nhiều nội dung giám sát theo qui định của pháp luật và trên cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng chưa được tập trung giám sát hoặc giám sát nhưng chưa hiệu quả do đòi hỏi cao về chuyên môn, kỹ thuật đã làm hạn chế hiệu quả phòng ngừa tham nhũng của hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án XĐGN.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, công trình XĐGN, Nhóm nghiên cứu kiến nghị, bổ sung quyền hạn cho chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng, bổ sung cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của chủ thể giám sát để có đủ căn cứ, cơ sở cho việc giám sát. Thay đổi phương thức thực hiện các dự án XĐGN theo hướng đối với những dự án nhỏ, không đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật thì giao trực tiếp cho cộng đồng thực hiện theo cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm” để tiết kiệm chi phí, tăng cường vai trò giám sát, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, các dự án XĐGN phải triển khai dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, của người dân, giúp giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, tránh tình trạng đầu tư kiểu “rót vốn từ trên xuống mà bỏ qua nhu cầu của địa phương” mới thu hút sự quan tâm của cộng đồng giám sát các công trình, dự án này. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường biện pháp bảo đảm, hỗ trợ hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng thông qua cung cấp đầy đủ thông tin, tiếp nhận và phản hồi, xử lý các phản ánh, kiến nghị về hành vi tham nhũng, lãng phí trong các dự án, công trình XĐGN để chấm dứt các hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm khắc, kịp thời chấm dứt tình trạng chủ đầu tư, nhà thầu có hành vi cản trở, đe dọa, trả thù đối với các chủ thể giám sát đầu tư cộng đồng...

Ông Lê Tiến Hào – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Để nâng cao hiệu quả XĐGN cần nhiều giải pháp, trong đó giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát cộng đồng đối với các dự án, chương trình XĐGN là rất có ý nghĩa. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đầu tư không đúng, không trúng nhu cầu nên hiệu quả không tốt, lãng phí nhưng điều kiện cho cộng đồng giám sát lại rất hạn chế. Vì thế, cần hoàn thiện thể chế trong công tác XĐGN, giám sát đầu tư của cộng đồng để hạn chế tham nhũng, lãng phí”.

Ông Lê Anh Tế - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương: “Thực tế, không thể trách người dân vì có những dự án dân không cần nhưng chính quyền cứ thống nhất ở đâu rồi đưa xuống, bắt thực hiện, chứ không phải dân thờ ơ trong việc giám sát. Do đó, cần qui định về giám sát cộng đồng, chứ không chỉ giám sát đầu tư và nâng kinh phí hoạt động cho Ban giám sát cộng đồng chứ như hiện nay không thể làm tốt”.

Ông Hoàng Minh Ái – Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc: “các công trình XĐGN thì tổng mức đầu tư rất nhỏ nên cần qui định phạm vi giám sát cộng đồng đối với tất cả các chủ trương, chính sách thực hiện trên địa bàn mới toàn diện được. Đồng thời phải quan tâm đến giám sát sau đầu tư vì hiện lãng phí sau đầu tư rất nhiều do “cha chung không ai khóc” nên không ai giám sát”.

Huy Anh