Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được xây dựng và thực hiện trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 66), ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 (sau đây viết tắt là Chương trình 585) do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thực hiện. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình 585, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2014 và đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện Chương trình 585 giai đoạn 2015-2020 với các nội dung chính như sau:
1. Kết quả thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình 585 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2010-2014
Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nội dung hoạt động của các Dự án Chương trình 585 giai đoạn từ năm 2010 - 2014 với các kết quả ghi nhận như sau:
Thứ nhất, việc triển khai Chương trình cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc, qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thiết lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật của doanh nghiệp; doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, chính sách pháp luật, được hỗ trợ tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp doanh nghiệp phòng, chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vị thế không chỉ trên thị trường nội địa mà còn từng bước hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới;
Thứ hai, giai đoạn 2010 – 2014 đánh dấu bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc phối hợp liên ngành triển khai thực hiện bước đầu đạt được kết quả tích cực; tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực từ các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp;
Thứ ba, việc triển khai thực hiện Chương trình 585 đã tạo được hiệu ứng tích cực, cơ sở pháp lý, chính sách thuận lợi, tiền đề quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước.
Kết quả triển khai thực hiện Chương trình 585 trên từng hoạt động cụ thể và hoàn thiện các mục tiêu, nội dung hoạt động:
1.1. Điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp
Để có cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động của Chương trình 585, xác định đúng thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trên cả nước, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 đã tổ chức các Đoàn khảo sát liên ngành khảo sát trực tiếp và dưới hình thức phát phiếu khảo sát (hơn 8000 phiếu khảo sát) tại các Bộ, ngành; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; các địa phương và trực tiếp tại các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là tiền đề, cơ sở quan trọng để Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Chương trình 585, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đúng mục tiêu, đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
1.2. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp
Từ năm 2011 - 2014, Chương trình 585 đã tổ chức thành công 86 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh, thu hút sự tham gia của 12.900 đại biểu là các chủ sở hữu doanh nghiệp, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, luật sư, luật gia, cố vấn pháp lý tại các doanh nghiệp. Hoạt động hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp đã hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận thông tin, cập nhật các chính sách, văn bản, các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, kiến thức pháp luật kinh doanh, đồng thời được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia, góp phần phòng tránh rủi ro pháp lý, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, hoạt động này cũng đã thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.
1.3. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Chương trình 585 đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức thành công 103 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, thu hút gần 17.500 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ các phòng ban, cán bộ pháp chế, kế toán doanh nghiệp tham dự. Các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư...
Chương trình 585 đã tổ chức thành công 70 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút 11.442 cán bộ pháp chế, luật sư, luật gia, cố vấn pháp luật cho doanh nghiệp tham dự. Các lớp bồi dưỡng này đã cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong công tác pháp chế doanh nghiệp đối với các cán bộ làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành và địa phương, qua đó, góp phần tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chương trình 585 đã tổ chức thành công 20 tọa đàm và 18 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành, thu hút hơn 5.700 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành và Sở, ban ngành địa phương tham dự. Nội dung tập trung vào giải quyết các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã giúp tăng cường năng lực cho tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và pháp chế các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
1.4. Xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam
Chương trình 585 đã xây dựng, phát sóng hàng tuần 359 chuyên đề ‘Kinh doanh và pháp luật’ trên Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV) và 86 chương trình ‘Kinh doanh và pháp luật’ trên Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV2). Chương trình đã cung cấp các thông tin pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền những thay đổi của pháp luật kinh doanh hiện hành, phân tích tác động của sự thay đổi pháp luật đó đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, Chương trình đã cung cấp thực tiễn pháp lý trong kinh doanh (dưới hình thức phóng sự, phân tích của chuyên gia), những vướng mắc pháp lý doanh nghiệp thường gặp, cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tại Chương trình, các chuyên gia đã phân tích những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật hiện hành, đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam. Đây là Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp đầu tiên được phát sóng định kỳ hàng tuần trên Đài truyền hình Việt Nam, định kỳ hàng ngày trên Đài tiếng nói Việt Nam với phạm vi phủ sóng toàn quốc trong một khung thời gian phù hợp, điều này đã có tác động tích cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và thói quen tuân thủ, áp dụng pháp luật của người quản lý doanh nghiệp. Chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, thực sự đã tạo ra điểm nhấn tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 585.
1.5. Xây dựng Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các cuốn Cẩm nang pháp luật
Từ năm 2011 - 2014, Chương trình đã xây dựng, phát hành 14 số Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với số lượng trung bình 2000 cuốn/số chuyên đề về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát miễn phí cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Nội dung các Bản tin tập trung giới thiệu các hoạt động, cách thức phối hợp, tổ chức Chương trình, kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các chuyên đề pháp luật kinh doanh mà doanh nghiệp quan tâm.
1.6. Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn
Với mục tiêu hình thành hệ thống tư vấn pháp luật tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; xây dựng giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương này, tới nay, Chương trình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng, thiết lập được các đầu mối triển khai hoạt động tại một số tỉnh, thành như Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hòa. Tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động của mạng lưới được chia theo 03 cấp: Ban Quản lý Chương trình; cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm đầu mối đại diện tại các địa phương và đội ngũ luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để trực tiếp triển khai các hoạt động của mạng lưới. Thông qua các hình thức tư vấn pháp luật cụ thể: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp, điện thoại, các doanh nghiệp đã được tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.
2. Thủ tướng Chính phủ định hướng mục tiêu, nội dung các hoạt động Chương trình 585 giai đoạn 2015-2020
Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 với các nội dung chính như sau:
Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp đã được phê duyệt theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện trong giai đoạn 2015-2020.
Điều chỉnh mục tiêu, định hướng, tiến độ thực hiện, danh mục nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 như sau:
2.1. Mục tiêu chung, định hướng tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2015-2020:
Thứ nhất, việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm phù hợp với các mục tiêu xây dựng, hoàn hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, việc triển khai Chương trình gắn với việc triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, việc tiếp tục thực hiện Chương trình đến năm 2020, bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hướng trọng tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, các hoạt động cụ thể của Chương trình được triển khai bảo đảm phát huy hiệu quả của Chương trình giai đoạn 2010-2014, không chồng chéo với các chương trình, dự án khác hỗ trợ cho doanh nghiệp; lồng ghép với các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện để bảo đảm tính đồng bộ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí; tăng cường sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự tham gia chủ động và tích cực của các doanh nghiệp vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2.2. Tiến độ thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020:
Giai đoạn 2015-2017 và giai đoạn 2018-2020. Năm 2020 thực hiện công tác tổng kết, đánh giá các hoạt động của Chương trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan liên quan theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình với các Dự án như sau:
Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Triển khai Dự án tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động:
- Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
+ Thực hiện các hoạt động phối hợp với các tổ chức pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, pháp chế các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc biên soạn các bản tin, sổ tay, tài liệu về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
+ Tổ chức hoạt động nâng cao năng lực cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đáp ứng yêu cầu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ tại các địa phương.
+ Hỗ trợ báo cáo viên, hỗ trợ công tác tổ chức hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
+ Hỗ trợ các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ pháp lý, thông tin pháp lý thường xuyên cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Dự án 2: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp
Giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở xác định trọng tâm nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới là hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh, nắm bắt các cam kết thương mại, đầu tư quốc tế, theo đó, Dự án đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và hội nhập, nhất là các cam kết quốc tế tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp thông qua hoạt động:
- Hỗ trợ phát triển Trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Chương trình 585 chủ trì thực hiện
+ Hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên gia để xây dựng và vận hành Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, toàn diện thông tin pháp lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm một số hoạt động chính sau: xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và giới thiệu những nội dung cơ bản các văn bản này; giới thiệu, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giới thiệu những quy định về các Điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật; tổ chức tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về những quy định của pháp luật kinh doanh; tổ chức thu thập các kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc trong áp dụng pháp luật đề nghị các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực đăng tải công khai; cung cấp thông tin, tư liệu Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp.
+ Hỗ trợ duy trì, vận hành, quảng bá cho Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Phối hợp, hỗ trợ tổ chức xây dựng và phát sóng các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng
+ Hỗ trợ xây dựng kịch bản, nội dung Chương trình; hỗ trợ khác về chuyên môn, nhân lực để thực hiện các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật về kinh doanh cho các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp;
+ Phối hợp thực hiện các chương trình phát sóng như mời chuyên gia pháp luật, thực hiện các phóng sự, đối thoại trên truyền hình về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đầu tư...
- Tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Tổ chức các buổi giới thiệu các chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế.
Lập kế hoạch, xây dựng nội dung, phối hợp với các cơ quan tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên đề giữa cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, Luật sư, Luật gia, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng hiểu biết, thực thi pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực thi, áp dụng pháp luật cho doanh nghiệp.
Phối hợp tổ chức các buổi giới thiệu các chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế.
Dự án 3: Hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp
+ Hỗ trợ xây dựng khung Chương trình, biên soạn nội dung tài liệu, hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, trong đó, tập trung giới thiệu nội dung các luật mới, các chuyên đề pháp luật kinh doanh liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp;
+ Thực hiện các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định này.
- Triển khai hoạt động thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên các địa phương có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các hình thức tư vấn trực tiếp mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho doanh nghiệp.
Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để xây dựng các đầu mối thực hiện mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới; tổ chức và duy trì hoạt động của mạng lưới; tập huấn bồi dưỡng cộng tác viên tham gia mạng lưới. Hỗ trợ nguồn lực tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương nói trên thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật./.
Trần Minh Sơn - Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký Chương trình liên ngành 585