Đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ quy định về trả lại đơn yêu cầu thi hành án

05/11/2014
Thảo luận dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi tại hội trường hôm qua 3/11, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ quy định về trả lại đơn yêu cầu thi hành án.
 

Có đơn yêu cầu là tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật THADS (THADS), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: theo ý kiến của nhiều ĐBQH và Chính phủ thì việc giữ quy định về 2 cơ chế ra quyết định thi hành án (chủ động và theo đơn yêu cầu) như Luật hiện hành là phù hợp với tính chất, nguyên tắc tự định đoạt, tự thỏa thuận trong giải quyết các loại việc dân sự, tạo điều kiện, khuyến khích các bên giải quyết việc thi hành án, nhất là đối với trường hợp các đương sự là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... Đồng thời, bảo đảm cơ sở để thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công tác THADS. Ngoài ra, nếu bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án thì phải mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung, sẽ không phù hợp với yêu cầu đặt ra trong lần sửa đổi này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị tiếp thu theo đa số ý kiến ĐBQH, theo đó, giữ quy định ra quyết định thi hành án như hiện hành nhưng mở rộng hơn loại việc cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định thi hành án

Đại biểu (ĐB) Hồ Thị Thủy, Vĩnh Phúc  đồng tình với quy định nói trên nhưng cho rằng để tránh tình trạng do đương sự thiếu hiểu biết thì cơ quan tòa án khi ra quyết định, bản án cần tuyên truyền hướng dẫn cho đương sự về thủ tục này. Cơ quan THADS cũng cần nâng cao trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án các loại việc theo quy định và tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên liên quan đến thi hành án.

ĐB Dương Ngọc Ngưu, Điện Biên cũng tán thành với việc  duy trì việc 2 cơ chế ra quyết định thi hành án như hiện nay. ĐB Ngưu phân tích: khác với thi hành án hình sự, chỉ liên quan về quyền nhân thân và thi hành các quyết định mang tính chất cưỡng chế của nhà nước và hạn chế một số quyền cơ bản của công dân cho nên tòa án phải ra quyết định để có cơ sở cho cơ quan công an ra quyết định bắt người đi chấp hành hình phạt và giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, giáo dục đối với những nhiều chấp hành hình phạt ngoài tù và không có cơ chế thỏa thuận trong thi hành án hình sự. Đối với THADS thì phải đáp ứng nguyên tắc là tự định đoạt, tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận. Vấn đề này cũng đảm bảo cho những cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tự nguyện đi thi hành án, tự thỏa thuận với nhau và nhất là các cơ quan và doanh nghiệp, các cơ sở tuyển dụng họ chỉ cần có phán quyết của tòa án và họ sẽ thu xếp về việc thanh toán mà không cần yêu cầu đến cơ quan THADS thi hành đối với các khoản tranh chấp của mình. Quy định nói trên cũng tạo điều kiện để thực hiện chính sách xã hội hóa công tác THADS của Đảng và Nhà nước đã quy định trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

ĐB H`Yim Kđoh - Đắc Lắk cũng nhất trí với dự thảo luật về cơ quan THADS chỉ ra quyết định khi có yêu cầu của người được thi hành án và chủ động ra quyết định thi hành đối với các khoản thu theo quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, để xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án, ĐB này đề nghị quy định rõ: Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án đối với bản án quyết định.

Tuy nhiên, quá trình thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án mà không quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các đương sự thỏa thuận được việc thi hành án thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định chấm dứt việc thi hành án.

Trả lại đơn để dân tìm cơ chế giải quyết khác

Dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ quy định về “trả lại đơn yêu cầu thi hành án” (Điều 51 Luật hiện hành), trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan THADS vẫn có trách nhiệm theo dõi và tiến hành xác minh, tổ chức việc thi hành án khi có thông tin về người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Cũng theo ĐB H`Yim Kđoh - Đắc Lắk  “Khi thi hành án không có hiệu quả thì phải trả lại để cho người dân tìm cơ chế giải quyết khác. Ví dụ: Tổ chức thừa phát lại. Nếu cơ quan thi hành án cứ ôm hết như thế, làm sao người dân lựa chọn cơ chế khác được”

Mặt khác, cũng theo ĐB này trả lại đơn để người được thi hành án tự theo dõi điều kiện của người phải thi hành án. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân khi làm đơn trở lại, nếu có thông tin về điều kiện của người phải thi hành án, thì lại phải trở lại với quy định về trách nhiệm xác minh của cơ quan thi hành án. Nghĩa là khi gửi đơn đề nghị thi hành án trở lại, công dân chỉ cần cung cấp thông tin thì cơ quan thi hành án vẫn phải nhận đơn và trách nhiệm xác minh, làm rõ thông tin mà người dân đã cung cấp.

ĐB Phạm Xuân Thường cũng chỉ rõ “bỏ nội dung trả lại đơn thi hành án sẽ làm khó khăn hơn nhiều cho cơ quan THADS và làm tăng thêm số lượng số án tồn đọng hàng chục nghìn vụ một năm”.

ĐB Lê Minh Hiền, Khánh Hòa cũng không nhất trí với dự thảo về việc bỏ quy định trả lại đơn yêu cầu thi hành án tại Điều 51. ĐB Hiền nhấn mạnh “quy định không trả đơn yêu cầu thi hành án đã tạo nên sự mâu thuẫn với chính quy định về đơn yêu cầu thi hành án của dự thảo. Công dân có quyền yêu cầu thi hành án, vậy khi cơ quan THADS xác minh có căn cứ người phải thi hành án không có điều kiện thi hành phải trả lại đơn, thực chất là trả lại bản án quyết định cho họ”. Vì vậy, ĐB Hiền đề nghị Ban soạn thảo xem xét cho giữ nguyên quy định về trả lại đơn yêu cầu thi hành án tại Điều 51 Luật  THADS năm 2008. Bởi nếu không trả đơn yêu cầu cho người thi hành án, thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất khó khăn sẽ ngày càng khó khăn hơn do phải tổ chức biên chế để xác minh việc thi hành án.

Thu Hằng

 

ĐB Phạm Đức Châu, Quảng Trị:Trong thực tế, chúng ta thấy thời gian tự nguyện thi hành án quy định 15 ngày cũng chưa làm được, bây giờ chúng ta hạ xuống 10 ngày, theo tôi quá ngắn. Tôi đề nghị, nếu được thì quy định tăng thêm là 20 ngày, không phải là 10 ngày, phải cao hơn của luật hiện hành.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy, Hòa Bình: dự thảo luật quy định người được thi hành án  không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do chấp hành viên thực hiện. Nội dung này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người có điều kiện kinh tế khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, luật cần phải làm rõ nguồn chi phí để xác minh điều kiện thi hành án này được lấy từ ngân sách nhà nước hay lấy từ nguồn xã hội hóa trong trường hợp áp dụng chế định thừa phát lại. Trong những trường hợp chấp hành viên, tổ chức xác minh điều kiện thi hành án đối với những vụ án lớn đòi hỏi nguồn kinh phí nhiều trong khi người được thi hành án là các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện, dự thảo luật cần xem xét và nghiên cứu bổ sung những đối tượng này vào việc chi phí xác minh thi hành án.

ĐB Hồ Văn Năm, Đồng Nai: cần xác định lại người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án cung cấp thông tin về tài sản, thu thập tài liệu thi hành án của người thi hành án cho cơ quan THADS. Cần phải quy định rõ trong những trường hợp nào, tránh quy định chung chung như trong dự thảo luật dẫn đến xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trùng lắp, mất thời gian tốn kém chi phí không cần thiết. Theo tôi nên ghi rõ trong luật: Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án khi thấy kết quả xác minh, điều kiên thi hành án không đúng, không đầy đủ và không khách quan của chấp hành viên