Quốc hội thảo luận dự án Luật Hộ tịch: Đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em

29/10/2014
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hộ tịch hôm qua 28/10, tuyệt đại đa số Đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh (GKS) cho trẻ em thay vì cấp Thẻ căn cước công dân để tránh lãng phí, gây khó khăn cho người dân.
 

Thẻ căn cước không thể thay thế giấy khai sinh

Đại biểu Hồ Thị Thủy, Vĩnh Phúc cho rằng, cần thiết phải tiếp tục cấp GKS cho trẻ em để phù hợp công ước quốc tế về quyền trẻ em, BLDS, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Việc cấp GKS cũng là căn cứ quan trọng cho việc thiết lập các giấy tờ tùy thân tiếp theo, kể cả làm thẻ căn cước công dân.

Dẫn chứng trẻ em có quyền khai sinh và có quốc tịch theo Hiến pháp 2013, ĐB Huỳnh Văn Tính, Tiền Giang nghi ngại, Luật Căn cước công dân quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em sẽ “phát sinh thêm thời gian, thủ tục, phiền hà cho dân”. Bởi lẽ, GKS không có thời hạn sử dụng, còn thẻ căn cước công dân (CCCD) thì ngược lại, do đó “việc cấp thẻ tốn kém hơn cho nhà nước, công dân vì đến 14 tuổi công dân lại phải đổi thẻ khác. Hơn nữa, nếu bỏ GKS sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam ở nước ngoài khi mà giấy khai sinh đã trở thành thông lệ quốc tế.”

Thống kê hiện có đến 70 loại thủ tục hành chính yêu cầu phải xuất giấy khai sinh, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) quả quyết: giấy khai sinh rất quan trọng, là căn cứ pháp lý đầu tiên chứa đựng những thông tin về cá nhân một người do đó giữ quy định về cấp GKS như hiện nay là cần thiết.Chung nhận định, nhưng ĐB Tô Văn Tám, Kon Tum đề nghị phải rà soát lại quy định của dự thảo Luật CCCD để đảm bảo tính thống nhất. Theo ĐB Tám, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ mới sinh ra chỉ “phục vụ yêu cầu quản lý” và khẳng định “Thẻ CCCD không thể thay thế GKS”. Nhiều ĐB khác chỉ rõ, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em là không phù hợp vì trẻ mới sinh ra thay đổi nhân dạng liên tục, gây tốn kém, trong khi người dưới 14 tuổi chiếm khoảng 24% tổng dân số.

Trong 20 ĐB phát biểu tại hội trường về dự án Luật Hộ tịch, tất cả đều nhất trí cao với nhận định tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: cần tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.

Phải quy định rõ các trường hợp đăng ký khai sinh lưu động.

Theo dự thảo Luật Hộ tịch “Công chức Tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động”. Dẫn chứng từ thực tế “đăng ký khai sinh cho trẻ ở miền núi còn rất nhiều khó khăn, ĐB Pờ Hồng Vân (Lai Châu) cho rằng, đăng ký khai sinh lưu động là cần thiết tuy nhiên “trong trường hợp nào thì được đăng ký lưu động, trình tự thủ tục ra sao dự thảo chưa được quy định.” 

“Nhiều trẻ em ở vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa, đến tuổi đi học vẫn chưa được đăng ký khai sinh, gây khó khăn cho các thầy cô giáo, cho nhà trường vì vừa phải lo dạy chữ cho các em, vừa phải lo làm đăng ký khai sinh”, từ câu chuyện này, ĐB Điểu Huỳnh Sang, Bình Phước đề xuất “Cần có quy định riêng về thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc. Và quy định rõ việc đăng ký khai sinh lưu động được thực hiện như thế nào?

Đồng tình cao với nhiều nội dung về đăng ký khai sinh cho trẻ em mà Chính phủ trình Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hải, Hòa Bình lưu ý “cần quy định rõ trách nhiệm và thủ tục khi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi”. Trở lại lại vụ việc xảy ra ở chuà  Bồ Đề (Hà Nội) cách đây chưa lâu ĐB này nhấn mạnh “việc chùa có 112 trẻ em, nhưng có tới 80 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của trẻ”.

Để Luật Hộ tịch đảm bảo tính khả thi, thuận lợi cho người dân trong công tác đăng ký, cũng như phục vụ tốt công việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, nhiều ĐB đề nghị cần hạn chế các quy định giao Chính phủ, đồng thời quy định rõ trình tự, thủ tục các trường hợp đăng ký khai sinh như đăng ký cho trẻ bị bỏ rơi, đăng ký cho trẻ trong trường hợp bố mẹ tảo hôn, đăng ký quá hạn…Đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết một số việc về hộ tịch và tiếp tục đơn giản hóa giấy tờ để đảm bảo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Hộ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định giao UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký đối với một số việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới đất liền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; còn các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (thay vì cả ba cấp đều đăng ký như hiện nay- PV).

Thảo luận tại Hội trường, có ý kiến băn khoăn vì hiện đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện còn mỏng, công việc nhiều trong khi trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nếu để lãnh đạo UBND cấp tỉnh ký một cái giấy khai sinh, hay kết hôn có yếu tố nước ngoài thì rất bất cập. Nhiều Chủ tịch tỉnh rất “ca thán” vì vấn đề này. Còn về trình độ ngoại ngữ của cán bộ cơ sở, theo Bộ trưởng “chúng ta đòi hỏi cán bộ tư pháp, hộ tịch ở cấp huyện mà phải biết tiếng Anh, tiếng Đức hoặc tiếng Nga v.v... thì rất vô lý, bởi tất cả đều có sự bảo đảm về mặt phiên dịch, giấy tờ bằng tiếng Việt, chứ không phải bằng tiếng Anh, hay tiếng Pháp, tiếng Đức mà chúng ta phải trông chờ”. Bộ trưởng cũng tha thiết đề nghị “nếu chúng ta không dồn lại về một cấp để tổ chức đăng ký hộ tịch, thống nhất một đầu mối thì bước quá độ này cũng nên phân cấp về cấp huyện để có hai cấp đăng ký hộ tịch, để cấp tỉnh tập trung vào công tác quản lý Nhà nước”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Nhung, Khánh Hòa: dự thảo luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con, sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở cơ sở, sẽ bất lực khi thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt. Ví dụ, đặt tên cho con là Đinh San U, hay Cao Nô Ki A, tên xấu, tên mất thẩm mỹ, gây mặc cảm như Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì, tên quá dài gây phức tạp khi sử dụng như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Lương Tâm Nhân. Đây là một tên rất dài của Việt Nam, gây khó khăn trong quá trình sử dụng. Đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và nguyên tắc xác định họ, dân tộc cho con phù hợp với văn hóa truyền thống với phong tục, tập quán lâu nay.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Hậu Giang: tôi hoàn toàn thống nhất việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch có tính chất chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước như đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam ở trong nước theo quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, theo dự thảo "chỉ có đối tượng người nghèo mới được miễn lệ phí đăng ký các việc hộ tịch" thì chưa thỏa đáng, chưa công bằng đối với những người có công với cách mạng, những người yếu thế khác trong xã hội còn đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng và người khuyết tật được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch.

 

Đại biểu Trần Dương Tuấn, Bến Tre: tôi đề nghị quy định đối với những việc hộ tịch mà luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày. Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ mà xét thấy có hồ sơ cần thời gian xác minh làm rõ hoặc chờ ký khi người có thẩm quyền đi vắng thì công chức hộ tịch phải thông tin cho người nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch biết và hẹn trả kết quả giải quyết vào ngày làm việc tiếp theo.