Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Lương hưu phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu

28/10/2014
Chính sách lương hưu cần thực hiện được nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người nghỉ hưu hay ít nhất là bằng mức sống tối thiểu.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất đối với nhiều nội dung, chính sách “sát sườn” với quyền lợi của người lao động, đảm bảo thực hiện đúng chính sách an sinh xã hội cho người lao động tại phiên thảo luận ngày 23/10.

Lương hưu là “có đóng, có hưởng”

Đa số ĐBQH thống nhất rằng, chính sách lương hưu cần đảm bảo nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người nghỉ hưu hay ít nhất là bằng mức sống tối thiểu. Muốn vậy, mức lương làm cơ sở đóng bảo hiểm phải căn cứ trên thu nhập thực tế của người lao động chứ không phải lương tối thiểu vùng như thực tế hiện nay. Đại biểu Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, mức lương cơ sở để tính lương hưu là bình quân tiền đóng BHXH toàn bộ thời gian tham gia lao động của người lao động để đảm bảo không quá chênh lệch giữa các thế hệ và “tránh chênh lệch giữa các khu vực thì cần hạch toán riêng Quỹ BHXH của khu vực công và tư”.

Đối với đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM), cách quy định mức lương làm cơ sở đóng là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động như dự thảo là “giúp phần lớn doanh nghiệp ký hợp đồng và đóng BHXH cho người lao động trên nền lương tối thiểu. Mỗi khi Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng mới thì doanh nghiệp lại ký hợp đồng bổ sung với mức lương tối thiểu vùng thấp hơn nhiều so với thu nhập của người lao động”. Đại biểu Hải tính toán, “cách tính trên lương tối thiểu vùng thì ở khoảng 2,8 – 2,9 triệu đồng/tháng như hiện nay chênh lệch giảm 1 triệu đồng so với thu nhập của người lao động, làm quỹ BHXH thất thu khoảng 24.000 tỉ đồng/năm, quan trọng là lương hưu tối đa không đạt 75% mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người nghỉ hưu”.

Do vậy, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc có đóng có hưởng và an toàn của quỹ, cũng như phù hợp và đảm bảo tính khả thi về mức lương bình quân tháng đóng BHXH để tính lương hưu và trợ cấp 1 lần, bình đẳng trong tham gia và hưởng các chế độ BHXH, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Bình Thuận) đề nghị lương hưu, trợ cấp một lần được tính trên cơ sở tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2015) đến 31/12/2019; từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Theo đại biểu, “thực hiện theo phương án này sẽ có tính khả thi và sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Cho BHXH “cây gậy” chống trốn, nợ BHXH

Hiện nợ đóng BHXH diễn ra khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp còn chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động nên đa số ĐBQH nhất trí giao cho BHXH chức năng thanh tra hoạt động BHXH để cùng thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành tài chính nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chính sách BHXH. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình): “giao quyền thanh tra bảo hiểm cho BHXH là giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn hay nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi của người lao động” bởi như đại biểu phân tích, “BHXH là cơ quan cuối cùng quan trọng nhất về quyết định an sinh chủ yếu của quốc gia trong giai đoạn tới và có trọng trách lớn trong thu chi, quản lý, sử dụng, đầu tư và thu lợi” nên cần có chức năng thanh tra.

Giữ nguyên quan điểm giao cho BHXH thanh tra chuyên ngành, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận), đại biểu Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh)… cùng đề nghị cần cân nhắc qui định cho BHXH được thanh tra toàn diện hoạt động thực hiện chính sách BHXH, chứ không bó hẹp trong việc “đóng BHXH” như dự thảo để tránh tình trạng thanh tra BHXH phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách BHXH, pháp luật về lao động nhưng lại “bó tay”.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (tỉnh Nam Định) kiến nghị, có qui định cụ thể tránh sự chồng chéo giữa thanh tra BHXH và thanh tra lao động, thương binh xã hội. Đặc biệt, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, “đồng ý cho BHXH có chức năng thanh tra nhưng không được làm tăng biên chế và BHXH sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không xử lý hiệu quả tình trạng trốn đóng BHXH sau này”.

Huy Anh

Mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc là đảm bảo an sinh xã hội rộng rãi

Theo ước tính, số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động là khoảng 16 triệu người, trong đó chỉ có khoảng 10,8 triệu tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5-6 triệu lao động, trong đó đa số là lao động có giao kết hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng chưa tham gia BHXH bắt buộc. Trên thực tế họ thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH. Do đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH tán thành việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc dù ngân sách nhà nước dự kiến sẽ phải chi thêm 126,2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ. Dự thảo Luật cũng đã quy định chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thể tham gia BHXH liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động (trừ những người đang hưởng chế độ BH hưu trí hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng). Song ĐBQH lưu ý, “cần có kiểm soát chặt chẽ đối tượng, tránh sau khi chính sách có hiệu lực thì lực lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã tăng để hưởng chính sách, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

Hiện có 23 địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người hoạt động không chuyên trách; đa số địa phương đóng trên mức tiền lương cơ sở với mức hỗ trợ từ 50% mức tiền đóng BHXH trở lên. Toàn quốc có khoảng 229.592 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã./.

  

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã trình Quốc hội Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Tờ trình khẳng định, “Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật”. Để thực thi Công ước, Chính phủ kiến nghị nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người khuyết tật nặng trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, mở rộng việc miễn trừ lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật để cải thiện tình hình đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật, nghiên cứu qui định về việc tuyển dụng người khuyết tật vào khu vực công và bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc.

Ủy ban Đối ngoại khẳng định, “việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta”.

Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định tội danh riêng về tra tấn nhưng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam đều đã có các quy định liên quan đến hành vi tra tấn cả về thể chất và tinh thần. Với việc gia nhập Công ước chống tra tấn, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến tra tấn trong Bộ luật Hình sự phù hợp với định nghĩa tra tấn quy định tại Công ước và các quy định trong tố tụng hình sự về bồi thường những tổn thất về tinh thần của nạn nhân bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người. “Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chính sách nhân đạo cũng như chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người của nước ta hiện nay” – ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh.