“Án tại hồ sơ” không đem lại công lý
Quyền điều tra của TA là một trong những vấn đề đáng quan tâm của dự thảo Luật này. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc Tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự. Theo ĐB Nguyễn Sơn (TP.Hà Nội), giao cho TAND “quyền tự điều tra, xem xét lại vụ án là để từ đó phát hiện, khắc phục việc điều tra sai, truy tố sai”.
Qua thực tiễn thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và công tác xét xử của TA, hiện việc điều tra của TA là phải triệu tập người làm chứng đến điều tra công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, việc triệu tập những người làm chứng, người biết về tình tiết vụ án hết sức khó khăn do tâm lý người dân không muốn dính líu đến việc kiện tụng nên TA không thể điều tra, làm rõ tại phiên tòa, đặc biệt biệt những vụ án có người kêu oan. Như vậy, TA chủ yếu vẫn chỉ dựa vào hồ sơ vụ án mà chính TA cũng thấy chưa rõ đúng hay sai để phán quyết, sẽ dẫn đến việc kháng cáo, hủy án, điều tra lại làm vụ án kéo dài đến mức nhiều năm không kết thúc được.
Nhiều ĐBQH thống nhất quan điểm, TAND phải có quyền tự kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, để từ đó phát hiện, khắc phục những sai sót mà cơ quan điều tra, truy tố trước đó đã thực hiện. Có như vậy mới đảm bảo để TAND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử, đưa ra phán quyết đúng đắn, khách quan, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. “Việc giao thẩm quyền này còn góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay trong việc “án tại hồ sơ”, chỉ xét xử hồ sơ mà cơ quan điều tra truy tố xây dựng lên, hoặc nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong thực tiễn, nhiều vụ cơ quan điều tra truy tố không điều tra bổ sung, thậm chí đình chỉ vụ án, TAND không có cơ sở để kiểm sát hoạt động tư pháp” – ĐB Nguyễn Thành Bộ (tỉnh Thanh Hóa) lưu ý.
Có án lệ để ngăn chặn lách luật
Qua quá trình lấy ý kiến, đa số tán thành với quy định của dự thảo Luật là TANDTC có thẩm quyền phát triển án lệ nhưng cần tiếp tục làm rõ “án lệ” là gì? giá trị pháp lý của án lệ, các tiêu chí, điều kiện, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, việc thay đổi, hủy bỏ án lệ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) qui định, ngoài các quyết định giám đốc thẩm có tính chuẩn mực của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn có thể lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án khác để tổng kết phát triển thành án lệ cho các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Thực tiễn công tác xét xử cho thấy pháp luật hiện nay chưa điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, một số quy định chưa rõ ràng và có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật thường phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cá nhân của thẩm phán. “Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bản án bị hủy, sửa nhiều” – ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) nhận định.
Do vậy, ĐB thống nhất giao nhiệm vụ phát triển án lệ cho TANDTC bên cạnh nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án bị xử oan sai, ngăn chặn tình trạng lách luật do tiêu cực của cơ quan tiến hành tố tụng và khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hiện nay. Quan trọng nữa là án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ được kết quả xét xử vụ án, tránh tình trạng bị kẻ xấu lừa đảo chạy án gây rối trật tự xã hội./.
Huy Anh
Chưa thành lập TAND sơ thẩm khu vực
UBTVQH nhận thấy, thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án; đồng thời không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức TAND cấp huyện như quy định của Luật hiện hành. Như vậy, hệ thống tổ chức TAND gồm có TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và các Tòa án quân sự.