Quy định về tội phạm trong Bộ luật Hình sự hay cả luật chuyên ngành

24/10/2014
Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1985, đến nay đã trải qua 6 lần sửa đổi bổ sung (năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999 và 2009) do sự chuyển biến lớn của đất nước, đặc biệt về kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tội phạm ngày càng gia tăng và có tính chất nguy hiểm hơn. Vấn đề đặt ra, chỉ nên quy định về tội phạm trong BLHS hay cả luật chuyên ngành.

Điều 2 BLHS hiện hành quy định: “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, như vậy, tội phạm chỉ được quy định trong BLHS. Trong các luật chuyên ngành khác, chỉ quy định chung chung khi có hành vi vi phạm: thì bị xử lý theo quy định của BLHS. Việc dẫn chiếu này, phần nhiều chỉ mang tính hình thức, thậm chí có “tính tùy tiện”. Trên thực tế, không phải dẫn chiếu nào cũng có quy định trong BLHS để xử lý. Việc quy định như trên rất khó để có thể xử lý hình sự. Vì vậy, hiện nay vẫn còn những “khoảng trống” những “lỗ hổng” của pháp luật, khiến cho những trường hợp vi phạm pháp luật không bị xử lý, hoặc bị xử lý hành chính không tương đương với tính chất vi phạm pháp luật.

BLHS đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Tại Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 năm 2014 diễn ra vào ngày 22/10/2014 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, việc sửa đổi Bộ luật hình sự đang được triển khai trên cơ sở đổi mới tư duy về chính sách hình sự, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 cũng như bảo đảm thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ và hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng. Có những lĩnh vực mang tính ổn định, nhưng có những lĩnh vực có nhiều biến động như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao, môi trường… do đó, đòi hỏi BLHS phải có sự sửa đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu BLHS liên tục sửa đổi sẽ làm mất ổn định của một văn bản pháp luật có tính pháp điển hóa cao. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của tính kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nên chăng cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong một số luật chuyên ngành.  

Trên thế giới, hiện nay nhiều nước cũng quy định về tội phạm ở trong các luật chuyên ngành. Ở Trung Quốc, mặc dù bộ luật hình sự có hiệu lực từ năm 1979, nhưng sau đó Trung Quốc đã phải ban hành thêm 20 đạo luật hình sự riêng lẻ để điều chỉnh các quan hệ kinh tế – xã hội phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Năm 1997, Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung, sau đó Trung Quốc vẫn tiếp tục ban hành thêm một đạo luật nữa để quy định về tội phạm phá hoại chế độ ngoại hối. Đối với Nhật Bản, BLHS thừa nhận những tội danh được quy định trong những luật khác. Các tội danh này cũng được áp dụng cùng với quy định của BLHS, điều 8 BLHS Nhật Bản quy định: “đối với tội phạm theo quy định của văn bản pháp luật khác cũng được áp dụng tại các quy định của phần này. Tuy nhiên không hạn chế trường hợp các văn bản đó có quy định đặc biệt”. Như vậy, kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy, tội phạm cũng được quy định tại một số luật riêng lẻ khác.  Nhìn chung, một khi tội phạm và hình phạt được quy định trong luật chung và luật chuyên ngành thì các nhà làm luật sẽ có điều kiện quy định cụ thể các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực. Khi có sự biến động, luật chuyên ngành sẽ điều chỉnh, đáp ứng được tính nhanh chóng, kịp thời trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Việc quy định tội phạm trong một số luật chuyên ngành không phải là thay thế toàn bộ các tội phạm cụ thể thuộc các lĩnh vực chuyên ngành hiện có trong BLHS. Quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành không thể tách rời BLHS, đồng thời phải dựa trên chính sách, nguyên tắc của BLHS để bảo đảm thống nhất.

Thanh Bình

 

Tài liệu tham khảo:

Bộ luật Hình sự

Chuyên đề vấn đề mở rộng nguồn pháp luật hình sự Việt Nam, Nguyễn Thị Lan, Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội