Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ kiện xuất khẩu tôm của Việt Nam tại thị trường Mỹ (WT/DS404/1)

23/10/2014
Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại - Hoa Kỳ (gọi tắt là DOC) đã công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào thị trường Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 01/02/2012 đến 31/01/2013 (POR8). Mà theo đó, các công ty xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay, trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phu Group) chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Tháng 3/2014, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 này, DOC đã xác định tất cả các công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã XK tôm vào thị trường Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý, tức là đã bán phá giá tại thị trường này. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm NK từ Việt Nam. Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối DOC áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam là không công bằng và đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ thương mại quốc tế đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổ chức này đã gửi đơn kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) về quyết định cuối cùng của DOC áp mức thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại giữa hai nước về sản phẩm tôm của Việt Nam. Nhằm cung cấp đầy đủ và khách quan các thông tin liên quan đến vụ kiện tôm của Việt Nam khởi xướng tại Mỹ (WT/DS404/1), giúp quí bạn đọc có cơ sở nghiên cứu, tham khảo, tác giả xin nêu lại nội dung phán quyết của WTO: Sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam không bán phá giá và bài học kinh nghiệm rút ra, cũng như vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong vụ kiện.

I. Bối cảnh của vụ việc[1]

Vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam do DOC khởi xướng tháng từ 1/2004 (xem phụ lục 1). Cuối năm 2004, có 54 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách bị đơn vụ kiện tôm đã bị DOC áp mức thuế phá giá thấp nhất là 4,3%, cao nhất 25,76%, việc điều tra được tiến hành đối với 3 doanh nghiệp bị đơn có lượng xuất khẩu lớn nhất, bao gồm: Minh Phú, Minh Hải và Camimex – gọi là Bị đơn bắt buộc. Tháng 2/2005, DOC chính thức áp thuế chống bán phá giá với các thuế suất:

1. Từ 4,3% đến 5,24% đối với từng bị đơn bắt buộc;

2. Mức 4,57% (là mức bình quân gia quyền của thuế suất áp dụng cho 3 bị đơn bắt buộc) đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra;

3. Mức thuế suất toàn quốc 25,76% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại.  

Theo pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính để xét lại mức thuế chính thức mà DOC đã áp đối với khoảng thời gian 1 năm liền trước đó. Theo đó, tính tới thời điểm tháng 02/2010 (thời điểm Việt Nam đệ đơn yêu cầu tham vấn Chính phủ Hoa Kỳ), DOC đã tiến hành 3 cuộc rà soát hành chính (POR) bên nguyên đơn đã không yêu cầu rà soát hành chính năm đầu tiên sau khi đã thống nhất với phía Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó mới chỉ có kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính của lần hai và lần ba.

Trong đợt rà soát lần thứ hai - POR2 (4/2007), có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký tham gia rà soát. Nhưng, DOC chỉ chọn 2 doanh nghiệp trong số đó, là Công ty Minh Phú và Camimex và bị coi là bị đơn bắt buộc dựa trên tiêu chí là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất. Ngày 02/09/2008, DOC đã ban hành Quyết định cuối cùng về kết quả rà soát POR2. Mà theo đó, mức thuế suất của các bị đơn bắt buộc bao gồm Công ty Minh Phú và Camimex đạt mức thuế suất không đáng kể (0- 0,01%). Mức thuế suất này không được áp dụng cho các bị đơn tự nguyện (gồm các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có tham gia vào đợt rà soát lần 2 nhưng không được DOC lựa chọn làm bị đơn bắt buộc) mà các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn bị áp thuế theo mức thuế suất từ điều tra ban đầu là 4,57%, mức thuế suất toàn quốc cũng áp dụng theo điều tra ban đầu là 25,76%.

Trong đợt rà soát lần thứ ba – POR3 (04/2008), DOC chọn 3 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty Minh Phú, Camimex và Công ty Phương Nam (3 công ty này bị coi là bị đơn bắt buộc dựa trên tiêu chí là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất), trong số 28 doanh nghiệp đăng ký tham gia rà soát để tiến hành điều tra đầy đủ. Ngày 15/09/2009, DOC ra Quyết định cuối cùng được ban hành về kết quả rà soát POR3, mà theo đó, 3 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đều nhận được mức thuế suất tối thiểu (Minh Phú: 0,43%; Camimex: 0,08%; Phương Nam: 0,21%), nhóm các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện không được hưởng mức thuế suất theo thực tế điều tra mà tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá theo điều tra ban đầu là 4,57%, thuế suất toàn quốc là 25,76%.

Trước nguy cơ DOC tiếp tục dùng các phương pháp tính toán như đã dùng trong POR2 và POR3 dẫn tới kết quả rất bất lợi trong POR4, đặc biệt liên quan đến cơ hội thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện của các doanh nghiệp có kết luận 3 lần biên độ phá giá tối thiểu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ động đưa ra phân tích và kiến nghị đề xuất Chính phủ kiện Hoa Kỳ ra WTO. Tháng 01/02/2010, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận đề xuất này và bắt đầu vụ kiện bằng tham vấn gửi Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại giữa hai nước thành viên WTO, sử dụng cơ chế hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệpcủa nước thành viên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế. Kiện ra WTO không chỉ để chứng minh tôm xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá mà còn khởi kiện Mỹ vi phạm các quy định trong Hiệp định chống bán phá giá (ADA).

II. Tóm tắt diễn biến vụ việc

1. Giai đoạn tham vấn

Ngày 01/02/2010, Chính phủ Việt Nam đã trao cho phía Mỹ bản “Yêu cầu tham vấn”, trong đó đề nghị trao đổi một số vấn đề về “kết quả xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm” mà Hoa Kỳ đã áp dụng đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam khiếu nại các biện pháp sau đây của DOC đã áp dụng là vi phạm quy tắc của WTO:

a. Sử dụng phương pháp “Quy về 0 – Zeroing” trong tính toán biên độ phá giá;

b. Giới hạn số lượng bị đơn được lựa chọn điều tra trong điều tra ban đầu và rà soát hành chính;

c. Phương thức xác định thuế suất áp dụng đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn trong điều tra rà soát hành chính lần 2 và 3;

d. Phương pháp xác định mức thuế suất toàn quốc dựa trên thông tin sẵn có bất lợi đối với những doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được sự độc lập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của họ với Nhà nước.

Việt Nam cho rằng những phương pháp này của Hoa Kỳ vi phạm các Điều I, II, VI.1 và VI.2 của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1994; Điều 1, 2.1, 2.4, 2.4.2, 6.8, 6.10, 9.1, 9.4, 11.2, 11.3, 18.1 và 18.4 Phụ lục II của Hiệp định chống bán phá giá; Điều XVI.4 của Hiệp định thành lập WTO và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Theo trình tự tố tụng, hai bên sẽ tham vấn trong thời gian 60 ngày.

Tham vấn giữa hai bên nhằm giải quyết ổn thỏa, nhanh chóng vụ việc đã không thành công. Ngày 07/4/2010 Việt Nam chính thức đề nghị WTO thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp này theo Cơ chế giải quyết trong khuôn khổ WTO (DSU).

2. Giai đoạn Hội thẩm

Ngày 07/04/2010, Việt Nam yêu cầu Cơ quan Giải quyết tranh chấp trong WTO (DSB) thành lập Ban Hội thẩm.

Từ nội dung tranh chấp của vụ việc này, Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều bên. Có tới 7 nước đăng ký tham gia với tư cách bên thứ ba vào vụ kiện này, bao gồm: Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ. Đa số các nước này trong quá trình xem xét của Ban Hội thẩm đều có ý kiến ủng hộ quan điểm của Việt Nam (trừ trong một số hãn hữu vấn đề mà họ không có cùng mối quan tâm như Việt Nam – ví dụ về phương pháp sử dụng đối với nước có nền kinh tế phi thị trường). Điều này một mặt cho thấy Việt Nam đã lựa chọn trúng và đúng các vấn đề. Mặt khác sự ủng hộ rất tích cực cũng góp phần mang đến quyết định có lợi cho Việt Nam của Ban Hội thẩm.

3. Báo cáo của Ban Hội thẩm

Ngày 11/07/2011, Ban Hội thẩm ban hành báo cáo tới các bên liên quan. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở phân tích các vấn đề khiếu kiện, các lập luận và phản biện của các bên tham gia. Cụ thể, trong Báo cáo của Ban Hội thẩm nêu rõ:

3.1. Liên quan đến khiếu kiện về phương pháp “Quy về 0”

Phương pháp “Quy về 0” trong điều tra rà soát thuế chống bán phá giá là một thông lệ được Hoa Kỳ sử dụng trong hầu hết các vụ điều tra chống bán phá giá của nước này. Nội dung của phương pháp này là khi tính toán biên độ phá giá chung, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chỉ tính các biên độ phá giá có giá trị dương (lớn hơn 0), biên độ phá giá có giá trị âm sẽ được tự động chuyển về thành 0. Với phương pháp này, biên độ phá giá chung được tính toán sẽ cao hơn, từ đó mức thuế chống bán phá giá cũng bị đội lên rất nhiều.

Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng việc sử dụng phương pháp “Quy về 0” của Bộ Thương mại Hoa kỳ trong xác định biện độ phá giá đối với các bị đơn bắt buộc trong rà soát hành chính lần 2 và lần 3 là trái với Điều 2.4 trong Hiệp định về Chống bán phá giá. Ngoài ra, Ban Hội thẩm cũng cho rằng việc sử dụng phương pháp “Quy về 0” trong bất kỳ rà soát hành chính nào của Hoa Kỳ là vi phạm Điều 9.3 của Hiệp định về Chống bán phá giá và Điều VI.2 của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT 1994).

Quyết định này của Ban Hội thẩm cũng phù hợp với các tiền lệ trong nhiều vụ tranh chấp trước đây trong khuôn khổ WTO về vấn đề này. Trên thực tế, sau nhiều phán quyết cáo buộc vi phạm, Hoa Kỳ đã phải dỡ bỏ phương pháp quy về 0 trong điều tra ban đầu cho tất cả các vụ việc. Tuy nhiên, nước này chưa chấp nhận dỡ bỏ hoàn toàn phương pháp này trong điều tra rà soát hành chính (chỉ dỡ bỏ đối với các vụ việc cụ thể đã bị kiện ra WTO và bị tuyên vi phạm). Đây chính là một trong những lý do chính khiến Việt Nam phải tiến hành vụ việc này nhằm bảo vệ lợi ích cụ thể của các doanh nghiệpXK tôm Việt Nam trong rà soát hành chính. Do đó, việc “thắng” ở vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

3.2. Liên quan đến khiếu kiện về việc hạn chế số lượng bị đơn bắt buộc (bị đơn được lựa chọn)

Liên quan đến vấn đề điều tra riêng các bị đơn không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyên cung cấp bản trả lời, trong báo cáo của mình, Ban Hội thẩm đã bác bỏ khiếu nại của Việt Nam với lý do trên thực tế không có doanh nghiệp nào của Việt Nam không được lựa chọn điều tra nhưng cung cấp “bản trả lời tự nguyện”.

3.3. Liên quan đến khiếu kiện về mức thuế suất áp dụng cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn

Theo quy định của WTO (Điều 9.4 Hiệp định chống bán phá giá) thì thuế suất áp dụng cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra sẽ bằng bình quân gia quyền thuế suất xác định cho các bị đơn bắt buộc (trừ các trường hợp bị đơn bắt buộc có mức thuế suất xác định dựa trên các thông tin sẵn có bất lợi hoặc có thuế suất bằng 0% hoặc từ 0-2%).

Tuy nhiên, Điều khoản này của WTO lại không quy định gì về cách thức xác định thuế suất cho bị đơn tự nguyện khi tất cả các bị đơn bắt buộc đều có mức thuế suất bằng 0 hoặc không đáng kể (như kết quả của POR2 và POR3 nêu ở trên). Theo một phán quyết của Cơ quan phúc thẩm WTO trước đây thì tình trạng này được xem là “lỗ hổng pháp lý” và vì vậy khó có thể nói việc DOC sử dụng thuế suất cho bị đơn tự nguyện theo kết quả của vụ điều tra gốc là sai hay không. Có thể đây là lý do khiến Ban Hội thẩm không trả lời khiếu nại của Việt Nam về vấn đề này.

Mặc dù vậy, vì DOC sử dụng phương pháp Quy về 0 (đã bị tuyên là vi phạm) trong vụ điều tra gốc để tính toán thuế suất cho Bị đơn tự nguyện nên việc DOC bê y nguyên mức thuế suất này các bị đơn tự nguyện trong POR2 và POR3 được Ban Hội thẩm xác định là vi phạm WTO.

3.4. Liên quan đến việc xác định mức thuế suất toàn quốc

Theo Điều 9.4 của Hiệp định chống bán phá giá, thì cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra xác định thuế suất riêng cho từng bị đơn trong vụ việc chống bán phá giá; trong trường hợp không thể điều tra hết được (do số lượng bị đơn quá nhiều và nguồn lực của cơ quan điều tra hạn chế), cơ quan này có thể chỉ điều tra một số lượng bị đơn nhất định, số bị đơn còn lại (không được điều tra) sẽ được hưởng thuế suất bằng bình quân gia quyền của các bị đơn được điều tra. Như vậy, với quy định này, sẽ chỉ có 2 loại thuế suất là “thuế suất riêng cho bị đơn bắt buộc” (individual rates), “thuế suất cho các bị đơn còn lại” (“all other” rate) trong vụ điều tra chống bán phá giá.

Tuy nhiên, trong vụ kiện tôm của Việt Nam cũng như trong thông lệ tại Hoa Kỳ, ngoài 2 loại thuế suất trên, DOC còn áp dụng thêm loại “thuế suất toàn quốc” (country-wide rate) cho các trường hợp bị đơn không được lựa chọn điều tra và không thỏa mãn điều kiện “hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước” để được hưởng mức “all others rate”. Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng quy định này của Hoa Kỳ là vi phạm Điều 9.4 của Hiệp định chống bán phá giá. Theo Điều 9.4 thì thuế suất loại “all others” được áp dụng không kèm theo điều kiện gì, việc DOC đặt thêm điều kiện “doanh nghiệp phải chứng minh được mình độc lập khỏi sự kiểm soát của Nhà nước” là vi phạm WTO.

Đây có thể xem là thắng lợi rất đáng kể của Việt Nam trong vụ việc này bởi khác với phương pháp Quy về 0 vốn đã bị tuyên vi phạm trong nhiều phán quyết của WTO, vấn đề “thuế suất toàn quốc” là vấn đề mới và hầu như chưa có tiền lệ rõ ràng trong WTO, trong khi đây lại là phương pháp Hoa Kỳ sử dụng rất phổ biến trong các vụ việc của các nước có nền kinh tế thị trường, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp ở các nước này, bởi thuế suất toàn quốc mà DOC áp dụng hầu hết là cao hơn mức “all others rate”.

* Khuyến nghị chung của Ban Hội thẩm:

Từ các phán quyết về từng vấn đề nêu trên, Ban Hội thẩm kết luận Hoa Kỳ có các hành vi vi phạm các điều khoản của Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT 1994) và điều này đã gây tổn hại tới quyền lợi của Việt Nam theo các Hiệp định này. Vì vậy, Ban Hội thẩm khuyến nghị Hoa Kỳ điều chỉnh các biện pháp liên quan cho phù hợp các Hiệp định nêu trên (theo Điều 19.1 DSU). Theo Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO, Việt Nam và Hoa Kỳ có khoảng thời gian là 60 ngày để đưa ra kháng cáo báo cáo này của Ban Hội thẩm lên Cơ quan Phúc thẩm. Nếu không có kháng cáo trong thời hạn trên, Báo cáo của Ban hội thẩm sẽ được DSB thông qua và có giá trị bắt buộc. Khi đó, Bên thua kiện có 30 ngày để thông báo với DSB về việc thi hành khuyến nghị của mình.

III. Bài học kinh nghiệm từ vụ kiện

1. Ý nghĩa của vụ việc

Vụ kiện tôm của Việt Nam tại Mỹ (WT/DS404/1) là vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam khởi xướng (với tư cách người đi kiện – nguyên đơn) trong khuôn khổ WTO.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vụ kiện được xem là thành công lớn ở cả hai khía cạnh: Thứ nhất là, lựa chọn trúng và đúng vấn đề (những vấn đề có khả năng thắng cao, đồng thời là những biện pháp, phương pháp, thông lệ mà Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các cuộc điều tra đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai); Thứ hai là, chuẩn bị các lập luận xác đáng, thuyết phục để đạt được kết quả tốt nhất có thể và trên thực tế Việt Nam đã thắng 3 trong 4 vấn đề đưa ra khiếu kiện).

Với kết quả thắng lợi này, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc:

-Đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không áp dụng các biện pháp bất lợi liên quan đối với hàng hóa Việt Nam; vấn đề kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam, vì vậy, có thể sẽ bớt khắc nghiệt hơn; mức độ thiệt hại từ các vụ kiện được hy vọng sẽ giảm đáng kể. Cũng thông qua vụ việc này, Việt Nam đã gửi thông điệp ra thế giới rằng Việt Nam sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá tại bất kỳ nước nào;

-Khích lệ về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tự tin, chủ động sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong thương mại quốc tế theo các quy định của WTO mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các bên tranh chấp. 

2. Về vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp

Trong vụ việc đầu tiên, mọi công việc từ ý tưởng khởi kiện đến quyết định tham vấn, từ lựa chọn luật sư đến chuẩn bị chứng cứ, từ tham gia các thủ tục tố tụng đến theo dõi thực thi… đối với Việt Nam đều là “lần đầu tiên”. Những cái được và chưa được trong vụ việc của những “lần đầu tiên” này là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, hiệp hội nói riêng trong việc sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong WTO để bảo vệ lợi ích của mình.

Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận nhất trong vụ việc này là vai trò chủ động, tích cực của các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát hiện vấn đề cũng như tham gia vào quá trình chuẩn bị cho vụ việc. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành:

+ Chủ động nghiên cứu nghiêm túc vấn đề từ góc độ của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đưa đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam cần khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO;

+ Trong khi các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn đang lúng túng bởi chưa có tiêu chí hay cơ chế nội bộ nào cho việc quyết định có khởi kiện hay không, đã có những lập luận thuyết phục và chặt chẽ với các cơ quan liên quan cũng như những hình thức tuyên truyền thích hợp nhằm tạo sự ủng hộ của công chúng, góp phần vào quá trình ra quyết định khởi kiện của Chính phủ;

+ Tham gia tích cực và hiệu quả vào việc lựa chọn luật sư tư vấn cho vụ việc và với việc giới thiệu luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm và có kết nối từ vụ việc gốc ở Hoa Kỳ và tranh chấp trong WTO, có thể nói hai Hiệp hội đã cùng góp phần vào thành công trong kết quả của vụ việc.

Mặc dù các Hiệp hội liên quan đã có đóng góp rất tích cực và phối hợp tốt với các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn đầu, vẫn còn những vấn đề tồn tại trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp này, chủ yếu trong giai đoạn sau đó. Cụ thể:

+ Sau khi vụ việc được bắt đầu, các Hiệp hội không được thông tin về diễn tiến cũng như những nội dung liên quan của vụ việc cũng như không có cơ hội phối hợp, sát cánh cùng các cơ quan Nhà nước liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc;

+ Các Hiệp hội cũng không được tham gia hay tiếp cận các báo cáo về vụ việc của phía Việt Nam và những kinh nghiệm từ vụ việc tranh chấp đầu tiên trong WTO này.

Vụ tranh chấp đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ WTO chỉ là một trong số hơn 400 vụ tranh chấp giữa các nước thành viên mà WTO đã chứng kiến từ ngày thành lập năm 1995 đến nay, vì thế nó có thể không đặc biệt lắm với thế giới. Nhưng rõ ràng với Việt Nam đây lại là bước ngoặt có ý nghĩa, với nhiều bài học lớn cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng.  

Phụ lục 1: Diễn biến vụ kiện tôm của Việt Nam tại Mỹ[1].

Ngày

Nội dung

A. Nộp đơn Kiện

06/8/2003

  Hiệp hội Tôm Louisiana đã biểu quyết sẽ nộp đơn khởi kiện tôm nhập khẩu.

08/8/2003

  Liên minh Tôm miền nam Hoa Kỳ (SSA) biểu quyết thông qua nghị quyết khởi kiện bán phá giá tôm nhập khẩu từ 6 nước, trong đó có ViệtNam. (Braxin, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Êcuađo, Ấn Độ.)

31/12/2003

  SSA chính thức nộp đơn khởi kiện “chống bán phá giá tôm” lên Bộ

  Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của một số nước, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

B. Tiến trình điều tra vụ kiện chống bán phá giá

1. Bắt đầu điều tra

20/01/2004

  DOC bắt đầu tiến hành điều tra vụ kiện bán phá giá tôm của Việt Nam tại Mỹ. Toàn bộ các dạng tôm xuất khẩu (bao gồm: tôm nước ấm đóng hộp hoặc đông lạnh, được đánh bắt tự nhiên (ngoài biển) hoặc nuôi trồng, còn đầu hay đã bỏ đầu, đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ, để vây hoặc bỏ vây, rút huyết hay chưa rút huyết, đã nấu chín hoặc chưa tinh chế, hoặc được chế biến kiểu khác dưới dạng đông lạnh hay đóng hộp) từ Việt Nam đều nằm trong phạm vi điều tra, ngoại trừ tôm khô, tôm bột.

  Đồng thời DOC thông báo cho ITC về việc DOC tiến hành điều tra chống bán phá giá.

2. Điều tra sơ bộ của ITC

     a. Điều trần tại ITC

21/01/2004

  ITC tổ chức phiên điều trần công khai tại Washington D.C. Đại diện của 6 nước bị kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ đến dự phiên điều trần, trong đó có các đại diện của Việt Nam.

     b. Kết luận sơ bộ

17/02/2004

   ITC họp bỏ phiếu về những kết quả điều tra đầu tiên kết luận sơ bộ về vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ đối với các doanh nghiệp Việt Nam là việc nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ.

Vụ kiện bắt đầu vào giai đoạn điều tra.

3. Điều tra sơ bộ của DOC

 a. DOC điều tra tình trạng bán phá giá - Bảng câu hỏi phân chia các bị Đơn

23/02/2004

  DOC chọn một số công ty để bắt đầu tiến hành điều tra.

26/02/2004

  Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố danh sách bốn Bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong vụ kiện tôm. Đó là: Công ty Chế biến thủy sản và XNK Cà Mau (Camiex), Xí nghiệp Chế biến Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Minh Hải (Seaprodex Minh Hải) và Công ty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng). Ngoài ra còn có các Bị đơn tự nguyện (bị đơn tự nguyện đề đạt mong muốn tham gia vào quá trình điều tra) và bị đơn khác (các bị đơn không tham gia vào quá trình điều tra).

 

Danh sách các Bị đơn tự nguyện:

1. Công ty TNHH Thực phẩm AMANDA (Việt Nam) (Amanda Foods (Vietnam) Ltd);

2. Công ty C.P. Việt Nam Livestock (C.P. Vietnam Livestock);

3. Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Cai Doi Vam (Cai Doi Vam Seafood Import Export Company);

4. Công ty Xuất Nhập khẩu Nông sản và Súc sản Cần Thơ (“Cataco”) (Can Tho Agriculture and Animal Products Import Export Company);

5. Doanh nghiệp Chế biến Xuất khẩu Súc sản và Ngư sản Cần Thơ (“CAFATEX”) (Cantho Animal Fisheries Product Processing Export Enterprise);

6. Công ty hải sản Cửu Long (Cuu Long Seaproducts Company);

7. Công ty xuất nhập khẩu hải sản Đà Nẵng (Danang Seaproducts Import Export Company);

8. Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Nội (Hanoi Seaproducts Import Export Corp);

9. Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu Minh Hải (Minh Hai Export Frozen Seafood Processing Joint-Stock Company);

10. Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Minh Hải (Minh Hai Seaproducts Import Export Corporation);

11. Công ty cổ phần hải sản Nha Trang (Nha Trang Fisheries Joint Stock Company);

12. Công ty thuỷ sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company);

13. Công ty thực phẩm Pataya (Pataya VN) (Pataya Food Industries (Vietnam) Ltd);

14. Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) (Sao Ta Foods Joint Stock Company);

15. Tổng công ty xuất nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) (Soc Trang Aquatic Products and General Import Export Company);

16. Công ty thương mại và thuỷ sản Thuận Phước (Thuan Phuoc Seafoods and Trading Corporation);

17. Công ty Việt Nhân (Viet Nhan Company);

18. Công ty Kinh doanh Thuỷ hải sản TP. Hồ Chí Minh (Aquatic Products Trading Company);

19. Công ty TNHH Thuỷ sản Bạc Liêu (Bac Lieu Fisheries Company);

20. công ty phát triển kinh tế duyên hải (Coastal Fisheries Development Corporation);

21. công ty cổ phần thuỷ sản Cam Ranh (Cam Ranh Seafoods Processing Enterprise Company);

22. Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Kiên Giang (Kien Giang Sea- Product Import-Export Company);

23. Công ty TNHH Chế biến Thủy sản và Xuất Nhập khẩu Phú Cường (Phu Cuong Seafood Processing and Import-Export Company Ltd.);

24. Công ty xuất nhập khẩu hải sản Sông Hương (Song Huong ASC Import-Export Company Ltd.);

25. Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Út Xi (UTXI Aquatic Products Processing Company);

26. Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Viet Foods Co.);

27. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hải sản Việt Hải (Viet Hai Seafood Company Ltd.);

28. Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi (VIMEX) (Vinh Loi Import- Export Company).

29. Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại Thuỷ sản (INCOMFISH) (Investment Commerce Fisheries Corporation).

   DOC đã yêu cầu bốn Bị Đơn Bắt Buộc (Minh Phú, Kim Anh, Minh Hải và Camimex) trả lời bảng câu hỏi điều tra liên quan đến vụ kiện bán phá giá tôm về các vấn đề tài chính và chi phí của công ty có liên quan đến hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ.

01/4/2004

   Liên minh Hành động Thương mại ngành Công nghiệp tiêu thụ Mỹ (CITAC) và Hiệp hội Phân phối Thủy sản Mỹ (ASDA) chính thức thành lập Nhóm đặc trách Tôm, có nhiệm vụ vận động chống lại vụ kiện chống bán phá giá do Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) khởi kiện đối với tôm nhập khẩu từ sáu nước Nam Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam.

25/5/2004

   Liên minh tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) nộp đơn yêu cầu áp dụng tình trạng khẩn cấp với VN.

06/7/2004

   Bộ thương mại Hoa Kỳ tiến hành điều tra bán phá giá trên khoảng 30 công ty Việt Nam bao gồm 4 Bị đơn bắt buộc và 29 Bị đơn tự nguyện.

   Thuế chống phá giá được dự định ở 3 mức:

- Bị đơn bắt buộc: từ 12% đến gần 20% (4 công ty).

- Bị đơn tự nguyện: thuế suất khoảng 16%.

- Bị đơn khác: mức thuế 93%.

   Do Việt Nam đã được DOC quyết định là một nước có nền kinh tế phi thị trường vào ngày 08/11/2002 nên trong tiến trình điều tra sơ bộ của DOC trong vụ kiện bán phá giá tôm này, DOC không tiến hành định loại hình của nền kinh tế Việt Nam nữa.

     b. Quyết định sơ bộ của DOC

16/7/2004

    DOC công bố Quyết định sơ bộ về mức thuế chống phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ. (xem bảng 1)

   DOC quyết định không công nhận yêu cầu của nguyên đơn về tình trạng khẩn cấp và hoãn đưa ra kết luận cuối cùng về việc điều tra bán phá giá tôm của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

   DOC nhận được bản khai thông số thực tế của Camimex, Kim Anh, Seaprodex Minh Hai và Minh Phú về hoạt động xuất khẩu cá tra, basa của các công ty này sang thị trường Mỹ.

21/7/2004

   DOC nhận được văn bản giải trình từ phía các Bị đơn bắt buộc liên quan đến lệnh áp dụng các mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam (theo quyết định sơ bộ của DOC) của Cục Hải quan Mỹ.

26/7/2004

   DOC gửi bản câu hỏi điều tra bổ sung đến Seaprodex Minh Hải và Camimex.

27/7/2004

   DOC gửi bản câu hỏi điều tra bổ sung đến Kim Anh và Minh Phú.

30/7/2004

   DOC nhận được đề nghị xin thêm thời gian để trả lời câu hỏi bổ sung từ phía công ty Camimex, Kim Anh và Seaprodex Minh Hải. Đồng thời DOC cũng gửi lịch trình thẩm tra đến các bên có liên quan.

02/8/2004

   DOC đồng ý cho công ty Camimex, Kim Anh và Seaprodex Minh Hải thêm thời gian để trả lời câu hỏi điều tra bổ sung được gửi đến ngày 26/7/2004.

03/8/2004

   DOC nhận được thông tin phản hồi của Minh Phú về bản câu hỏi điều  tra bổ sung.

   DOC đồng thời cũng nhận được đơn bác bỏ của Bên nguyên về văn bản giải trình của của Bên bị ngày 21/07/2004 liên quan đến những sai sót trong chỉ thị của Cục Hải quan.

   DOC nhận được đề nghị xin tổ chức buổi điều trần từ phía Bị đơn bắt buộc về các vấn đề được đề cập đến trong bản tóm tắt hồ sơ của họ.

05/8/2004

   DOC cho Cafatex thêm thời gian để nộp bản khai thông số thực tế về hoạt động xuất khẩu cá tra, basa của công ty này sang thị trường Mỹ (reconciliation information).

10/8/2004

   DOC gửi bản câu hỏi điều tra bổ sung đến cho Seaprodex hoạt động xuất khẩu cá tra, basa của công ty này sang thị trường Mỹ.

11/8/2004

   DOC nhận được bản khai thông số thực tế của Cafatex về hoạt động xuất khẩu cá tra, basa của công ty này sang thị trường Mỹ.

12/8/2004

   DOC nhận được thông tin phản hồi của Seaprodex và Camimex về bản câu hỏi điều tra bổ sung, thông tin phản hồi lần 4 của Kim Anh về bản câu hỏi điều tra bổ sung.

13/8/2004

   DOC nhận được đề nghị một buổi điều trần bàn về giới hạn của việc thẩm tra từ phía Hiệp hội các nhà chế biến Tôm Hoa Kỳ American Breaded Shrimp Processors Association ABSPA.

16/8/2004

   DOC gửi thư yêu cầu tham gia buổi điều trần đến tất cả các bên có liên quan.

18/8/2004

  DOC gửi bản thảo thẩm tra cho Camimex và Seaprodex Minh Hải. Camimex nộp bản hiệu chỉnh trước khi tiến hành thẩm tra (preverification corrections) và DOC gửi cho Kim Anh, Minh Phú và Cafatex các nội dung cần phải bàn đến về vấn đề thẩm tra.

  DOC nhận được bản hiệu chỉnh trước khi tiến hành thẩm tra của Kim Anh

  DOC nhận được thông tin phản hồi bổ sung liên quan đến mức thuế áp dụng riêng từ các công ty: Phương Nam, Bạc Liêu Fisheries, Cam Rang Seafoods, VIMEXCO, Ngọc Sinh, Nha Trang, UTXI, Trúc An, Kisimex, Vietnam Fish-One, Hải Thuận, và Incomfish.

20/8/2004

  DOC nhận được thông tin bổ sung liên quan đến yêu cầu của ASC, Viet Foods, APT, Cofidec, và Phú Cường về mức thuế riêng áp dụng cho từng công ty.

23/8/2004

  Kim Anh, Cafatex và Seaprodex Minh Hải đề nghị DOC cho thêm thời gian để đưa ra khung thẩm tra. DOC sửa đổi bản thảo thẩm tra cho Công ty Kim Anh.

24/8/2004

  DOC áp dụng biên độ phá giá sơ bộ cho các công ty của Việt Nam. (xem bảng 1)

4. Điều tra cuối cùng của DOC

     a. Thẩm tra tại chỗ

25/8/2004

   DOC bắt đầu thẩm tra các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Nhóm công tác DOC kiểm tra thực tế tại 4 doanh nghiệp là Bị đơn bắt buộc kéo dài đến ngày 10/9/2004.

31/8/2004

   DOC nhận được bản hiệu chỉnh trước khi tiến hành thẩm tra của Cafamex.

01/9/2004

   DOC công bố sẽ sửa đổi Quyết định sơ bộ về mức thuế chống phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam. Thời hạn điều tra được xác định là từ 01/4/2003 đến 30/9/2003.

07/9/2004

   DOC nhận được bản hiệu chỉnh trước khi tiến hành thẩm tra của Seaprodex Minh Hải.

08/9/2004

   DOC nhận được dữ liệu bổ sung về các giá trị của nước được chọn làm đại diện từ phía các Bị đơn bắt buộc.

14/9/2004

   DOC nhận được bản hiệu chỉnh trước khi tiến hành điều tra của cả Camimex và Minh Phú.

17/9/2004

  DOC gửi thông báo về hạn cuối cùng để gửi văn bản giải trình tóm tắt là vào ngày 20/9/2004.

20/9/2004

  DOC nhận được đề nghị của Bên Nguyên về việc xin thêm thời gian để hoàn thành bản kế hoạch tóm tắt và nộp các thông tin về các thông số thực tế.

22/9/2004

  DOC nhận được thư từ VSC phản đối việc Bên Nguyên xin thêm thời gian để hoàn thành bản kế hoạch tóm tắt.

27/9/2004

 Việc thẩm tra công ty Kim Anh kết thúc.

06/10/2004

  Bản báo cáo thẩm tra của Seaprodex Minh Hải và Cafatex đã được hoàn thành.

08/10/2004

 DOC gửi thư đến Seaprodex Minh Hải, Minh Phú và Camimex và các cơ sở dữ liệu các yếu tố sản xuất.

12/10/2004

 Bản báo cáo thẩm tra của Minh Phú được hoàn thành.

13/10/2004

 Thời hạn cuối cùng để các bên nộp bản tóm tắt hồ sơ kiện là ngày 20/10/2004 và thời hạn cuối cùng để các bên nộp bản tóm tắt hồ sơ bác bỏ ngày 25/10/2004.

15/10/2004

  DOC nhận được yêu cầu xin thêm thời gian để hoàn nộp bản tóm tắt bác bỏ từ phía Bên Nguyên.

20/10/2004

   DOC nhận được bản tóm tắt hồ sơ sự kiện từ VSC và Bên Nguyên.

29/10/2004

  Các bên nộp bản tóm tắt hồ sơ bác bỏ lập luận của bên kia. DOC nhận được bản tóm tắt hồ sơ bác bỏ từ phía Bên Nguyên và VSC.

02/11/2004

  DOC nhận được thư từ ABSPA về các vấn đề liên quan đến giới hạn chủ đề trong phiên điều trần. Cùng ngày, DOC gửi thư đến tất cả các bên có liên quan đến phiên điều trần công khai này.

04/11/2004

  DOC gửi thư đến tất cả các bên có liên quan về người đại diện sẽ trình bày bài thuyết trình trong phiên điều trần công khai nói trên. Đồng thời, DOC cũng gửi thư đến ABSPA thông báo rằng họ đã không nộp bất cứ một bản tóm tắt hồ sơ kiện hay bác bỏ nào về các vấn đề liên quan đến giới hạn và do đó họ không được trình bày bài thuyết trình nào trong phiên điều trần bàn về giới hạn của quá trình thẩm tra.

05/11/2004

  DOC tổ chức phiên điều trần công khai về các vấn đề liên quan đến tỷ lệ tài chính, các giá trị dùng để thay thế, và các Bị đơn bắt buộc.

08/11/2004

  DOC tạm hoãn phiên điều trần công khai về giới hạn của quá trình thẩm tra.

23/11/2004

  Đại diện của 6 nước bị kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ tham gia buổi điều trần công khai bàn về giới hạn của quá trình thẩm tra do DOC tổ chức.

30/11/2004

 ITC kết thúc quá trình thẩm tra tại chỗ.

 DOC ra mức thuế mới đối với tôm Việt Nam. Mức thuế này giảm đáng kể so với Quyết định sơ bộ của DOC đưa ra tháng 7/2004.(xem bảng 2)

  DOC cũng kết luận không có doanh nghiệp VN nào bị hồi tố do "tình trạng khẩn cấp". DOC tiếp tục công nhận rằng tình trạng khẩn cấp không tồn tại.

01/12/2006

  Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự phiên điều trần cuối cùng trong khuôn khổ vụ kiện tôm.

     b. Quyết định cuối cùng của DOC

07/12/2004

     đến

13/12/2004

  Các Bị đơn trả lời câu hỏi điều tra mục A (Công ty Trúc An, Hải Thuận, Nha Trang, Ngọc Sinh và Phương Nam – các công ty mà đã không được hưởng mức thuế xuất riêng biệt trong Quyết định cuối cùng của DOC) đã chỉ ra có một số sai sót trong Quyết định cuối cùng của DOC. Các doanh nghiệp này yêu cầu DOC điều chỉnh lại các sai sót của mình trong Quyết định cuối cùng.

26/01/2005

  Đồng thời các doanh nghiệp Camimex, Minh Phú và Minh Hải cũng phản ánh một số sai sót trong Quyết định cuối cùng của DOC là xảy ra trong quá trình cộng, trừ, hay các phép tính toán khác, sai sót trong quá trình biên chép. Do đó, DOC đã quyết định sửa đổi lại mức thuế trong Quyết định cuối cùng ngày 01/12/2004 áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. (Xem bảng 3)

5. Điều tra cuối cùng của ITC

     a. Điều trần tại ITC

01/12/2004

  ITC mở phiên điều trần cuối cùng để nghe ý kiến các bên liên quan trong vụ kiện.

7/01/2005

  ITC đã bỏ phiếu công nhận tôm đông lạnh của Việt Nam gây thiệt hại về vật chất cho ngành đánh bắt tôm của Mỹ, theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ phải chịu mức thuế chống bán phá giá mà DOC đã ấn định tháng trước.

21/01/2005

  Quyết Định Cuối Cùng của ITC có hiệu lực, theo đó ITC kết luận việc nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ.

     b. Quyết Định Cuối Cùng Của ITC

31/01/2005

  ITC công bố phán quyết cuối cùng: việc nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ.

6. Lệnh áp dụng thuế chống phá giá

Lệnh áp thuế chống phá giá của Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 01/02/2004. DOC yêu cầu Cục Hải quan Hoa Kỳ chính thức áp mức thuế chống bán pháp giá theo Quyết Định Cuối Cùng của DOC ngày 26/01/2005 đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, DOC cũng quy định rằng thuế chống bán phá giá sẽ áp dụng với các lô hàng tôm nhập khẩu chưa thanh toán vào hoặc ra khỏi nhà kho, để tiêu thụ vào hoặc sau ngày 16/7/2004. Theo yêu cầu của Hải quan Mỹ, ngoài số tiền thuế tính theo biên độ riêng biệt dành cho mỗi doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu còn phải nộp khoản đặt cọc tương ứng với thuế suất áp dụng chung cho toàn quốc (Vietnam-wide rate), tức biên phá giá cao nhất.

Để xuất khẩu tôm vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp hai khoản:

- Khoản 1: tiền thuế tính theo biên độ riêng biệt x giá trị lô hàng.

- Khoản 2: tiền đặt cọc được tính theo công thức thuế suất chung cho toàn quốc x giá trị nhập khẩu tôm của doanh nghiệp đó trong thời gian tính từ khi vụ kiện phát sinh đến khi lệnh áp thuế có hiệu lực. Khoản tiền đặt cọc phải nộp toàn bộ 1 lần và trước khi hàng nhập khẩu cập cảng Mỹ.

03/2005

 Các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu tôm từ Việt Nam phải ký quỹ (đóng bond) một khoản tiền tương đương với trị giá nhập khẩu tôm trong vòng một năm nhân với mức thuế chống bán phá giá. Khoản ký quỹ này đóng theo từng năm, căn cứ trên trị giá nhập khẩu của năm trước và chỉ được giải ngân số tiền ký quỹ sau 3 năm khi DOC xem xét hành chính (administrative review) vào tháng 08/2007 có được kết quả để tính lại giá thành, giá bán của từng lô hàng nhằm quyết định mức thuế chống bán phá giá mới.

7. Xem xét hành chính hàng năm

28/02/2006

  Thời hạn cuối cùng để các công ty Việt Nam tham gia vụ kiện “chống bán phá giá tôm” sang Mỹ nộp đơn đề nghị xem xét lại thuế suất chống bán phá giá của DOC (Mức thuế suất phá giá sau khi được DOC xem xét lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoản tiền ký quỹ (bond) mà doanh nghiệp phải đóng nếu muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ). Đại diện của SSA đã chính thức gửi đơn yêu cầu DOC xem xét hành chính mức thuế chống bán phá giá với toàn bộ các công ty Việt Nam có hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ trong thời kỳ từ ngày 16/7/2004 đến 31/01/2006 bao gồm 54 doanh nghiệp (trước kia điều tra chỉ dựa trên số liệu 6 tháng, nay yêu cầu của DOC là review dựa trên số liệu của 18 tháng.

15/3/2006

  DOC bắt đầu xem xét hành chính đối với tất cả các công ty bị yêu cầu xét lại hành chính.

31/3/2006

  DOC ban hành một phần Bản câu hỏi Mục A (gồm những thông tin liên quan đến các lô hàng, và/hoặc nhập khẩu, có thể sản xuất bán sang Mỹ trong giai đoạn xét lại hành chính lần 1). Các công ty có thời hạn 1 tuần để trả lời bản trả lời.

  Bản câu hỏi này được ban hành cho từng công ty bị yêu cầu xét lại hành chính và không bị rút lại đơn yêu cầu. Những công ty không trả lời hoặc không trả lời phù hợp và các các công ty này không được rút lại yêu cầu xét lại hành chính sẽ có thể bị áp dụng các yếu tố bất lợi sẵn có theo mức ấn định của Bộ Thương mại.

07/4/2006

  Hết hạn trả lời một phần bản câu hỏi Mục A.

  DOC ban hành các Bản câu hỏi Mục A bổ sung, Bị đơn bắt buộc trả lời Bản câu hỏi Mục A bổ sung trong 1 tuần.

28/4/2006

  Hạn cuối cùng để các doanh nghiệp Việt Nam trả lời bản câu hỏi điều tra. DOC quyết định chọn Bị đơn bắt buộc theo phương pháp chọn các công ty xuất khẩu nhiều nhất và ban hành các bản câu hỏi cho các Bị đơn bắt buộc. DOC có thể đề xuất phương pháp lấy mẫu để các bên trong vụ kiện kiến nghị.

15/5/2006

  DOC tiến hành việc chọn mẫu Bị đơn bắt buộc.

19/5/2006

  Hạn cuối cùng để các doanh nghiệp nộp đơn xin xem xét mức thuế áp dụng riêng biệt.

Bảng tiến trình xem xét hàng năm lần 1 (dự kiến) đối với các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ:

Tháng 8 đến

10/2006

  DOC gửi bản câu hỏi bổ sung và thu nhận trả lời câu hỏi bổ sung.

Tháng 11 đến 12/2006

  DOC tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các Bị đơn bắt buộc.

28/02/2007

  DOC thông báo kết quả điều tra sơ bộ (nếu có gia hạn).

27/8/2007

  DOC thông báo kết quả cuối cùng (nếu có gia hạn).

 

Bảng 1: Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam theo Quyết định sơ bộ (ngày 16/07/2004)

 

Tên công ty

Biên phá giá (%)

Seaprodex Minh Hải (Bạc Liêu)

18,68

Minh Phú (Cà Mau)

14,89

Kim Anh

12,11

Camimex (Cà Mau)

19,60

Mức trung bình cho một số doanh nghiệp thuộc nhóm “Bị Đơn Tự Nguyện”:

Amanda Food (Vietnam) Ltd; C.P. Vietnam Livestock; Cai Doi Vam Seafood Import Export Company; Can Tho Agriculture and Animal Products Import Export Company; Can Tho Animal Fisheries Product Processing Export Enterprise; Cuu Long Seaproducts Company; Danang Seaproducts Import Export Company; Danang Seaproducts Import Export Company; Hanoi Seaproducts Import Export Corp; Minh Hai Export Frozen Seafood Processing JSC; Minh Hai Seaproducts Co Ltd; Nha Trang Fisheries JSC; Nha Trang Seaproduct Company; Pataya Food Industries (Vietnam) Ltd; Sao Ta Foods HSC; Soc Trang Aquatic Products and General Import Export Company; Thuan Phuoc Seafoods and Trading Corporation; Viet Nhan Company.

16,01

Mức thuế áp dụng đối với toàn bộ các doanh nghiệp khác

93,13

 

Bảng 2: Mức thuế xuất chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam theo Quyết định cuối cùng (ngày 30/11/2004)

 

Tên Công ty

Thuế suất trong

Quyết định cuối

cùng

Seaprodex Minh Hải

4,30%

Minh Phú

4,38%

Kim Anh

25,76%

Camimex

5,24%

Mức thuế riêng biệt cho Mức trung bình cho 29 DN “Bị Đơn Tự Nguyện”:  Amanda Food (Vietnam) Ltd; Aquatic Products Trading Company; Bac Lieu Fisheries Company; Coastal Fisheries Development Corporation; C.P. Vietnam Livestock; Cai Doi Vam Seafood Import Export Company; Cam Ranh Seafoods Processing Enterprise Company; Can Tho Agriculture and Animal Products Import Export Company; Can Tho Animal Fisheries Product Processing Export Enterprise; Cuu Long Seaproducts Company; Danang Seaproducts Import Export Company; Hanoi Seaproducts Import Export Corp; Investment Commerce Fisheries Corporation; Kien Giang Sea-Product Import-Export Company; Minh Hai Export Frozen Seafood Processing JSC; Minh Hai Seaproducts Co Ltd; Nha Trang Fisheries JSC; Nha Trang Seaproduct Company; Pataya Food Industries (Vietnam) Ltd; Phu Cuong Seafood Processing and Import-Export Company Ltd., Sao Ta Foods HSC; Soc Trang Aquatic Products and General Import Export Company; Song Huong ASC Import-Export Company Ltd.; Thuan Phuoc Seafoods and Trading Corporation; UTXI Aquatic Products Processing Company; Viet Foods Co.; Viet Nhan Company; Viet Hai Seafood Company Ltd.; Trang Aquatic Products and General Import Export Company; Song Huong ASC Import-Export Company Ltd.; Thuan Phuoc Seafoods and Trading Vinh Loi Import-Export Company

4,57%

Mức thuế chung cho các công ty Việt Nam khác

25,76%

 

Bảng 3: Mức thuế xuất chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam theo Quyết định cuối cùng (sửa đổi) ngày 26/01/2005

 

Tên Công ty

Thuế suất trong Quyết định sơ bộ

Thuế suất trong Quyết định cuối cùng (sửa đổi)

Minh Phú

14,89%

4,38%

Kim Anh

12,11%

25,76%

Camimex

19,60%

5,24%

Seaprodex Minh Hai

18,68%

4,30%

Các công ty khác trong vụ kiện:  Amanda Food (Vietnam) Ltd; Aquatic Products Trading Company; Bac Lieu Fisheries Company; Coastal Fisheries Development Corporation; C.P. Vietnam Livestock; Cai Doi Vam Seafood Import Export Company; Cam Ranh Seafoods Processing Enterprise Company; Can Tho Agriculture and Animal Products Import Export Company; Can Tho Animal Fisheries Product Processing Export Enterprise; Cuu Long Seaproducts  Company; Danang Seaproducts Import Export Company; Hanoi Seaproducts Import Export Corp; Investment Commerce Fisheries Corporation; Kien Giang Sea- Product Import-Export Company; Minh Hai Export Frozen Seafood Processing JSC; Minh Hai Seaproducts Co Ltd; Nha Trang Fisheries JSC; Nha Trang Seaproduct Company; Pataya Food Industries (Vietnam) Ltd; Phu Cuong Seafood Processing and Import-Export Company Ltd., Sao Ta Foods HSC; Soc Trang Aquatic Products and General Import Export Company; Song Huong ASC Import-Export Company Ltd.; Thuan Phuoc Seafoods and Trading Vinh Loi Import-Export Company. Corporation; UTXI Aquatic Products Processing Company; Viet Foods Co.; Viet Nhan Company; Viet Hai Seafood Company Ltd.; Vinh Loi Import- Export Company, Phuong Nam, Ngoc Sinh).

16,01%

4,57%

 

Mức thuế suất toàn quốc

93,13%

25,76%

[1] Bản tin các vụ kiện Thương mại quốc tế (số 37, tháng 7/2011) của Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại