Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm với Tổng thư ký Quốc hội

23/10/2014
Hôm qua 22/10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách, cũng như bổ sung một số chức danh vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

Nên cho phép được từ chức trước khi bỏ phiếu

Theo Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định. Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) cho rằng trong trường hợp nói trên nên cho phép được từ chức trước khi Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu họ không từ chức thì Ủy ban thường vụ Quốc hội mới báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. “Trên thực tế, người bị đánh giá tín nhiệm thấp như vậy có thể từ chức để tránh một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả không thay đổi số phận, chứ không chờ đến khi phải bỏ phiếu tín nhiệm thì tâm lý nặng nề hơn. Điều này cũng không làm cho Quôc hội phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nữa” ĐB Tám nói.

Liên quan vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận xét, Dự thảo luật quy định thẩm quyền của ĐB nhưng chưa quy định cụ thể cách thức để ĐB thực hiện quyền của mình để bỏ phiếu tín nhiệm khi có ít nhất 20% ý kiến bằng văn bản của đại biểu. Dự thảo luật cũng chưa quy định cách thức tập hợp, lấy ý kiến của đại biểu như thế nào. ĐB có quyền vận động các đại biểu khác, tập hợp chữ ký để thực hiện quyền này hay không? ĐB Sinh đề nghị nghiên cứu cụ thể để bảo đảm tính khả thi của các quy định này.

ĐB Phạm Xuân Thường, Thái Bình và nhiều ĐB khác đề nghị cần bổ sung quy định lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia và Tổng thư ký Quốc hội vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Một số ĐB khác đề xuất Tổng thư ký Quốc hội bắt buộc phải là ĐBQH.

Nên quy định cụ thể về tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách

Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội đã có quy định về tiêu chuẩn ĐBQH. Theo đó, ĐBQH phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật; Có trình độ và năng lực, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) thì cần quy định cụ thể và chi tiết hơn về tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách vì hiện tại ĐB chuyên trách và ĐB kiêm nhiệm chỉ khác nhau về dành thời gian dành cho công việc. Đây cũng là ý kiến của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau). Theo ĐB Hoàng, thậm chí còn phải quy định cả tuổi đời của ĐB chuyên trách để có thể đảm bảo tốt công tác chuẩn bị nhân sự mỗi nhiệm kỳ mới mà không phải chờ đợi.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì lại có ý kiến khác. Theo ĐB Châu “quy định cụ thể quá về tiêu chuẩn thì rất khó vì còn liên quan cơ cấu ĐB, nhưng nên có 1 điều riêng quy định về ĐB chuyên trách, vì năng lực ĐB chuyên trách, đặc biệt ở TW rất quan trọng”

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chuẩn của ĐBQH còn quá chung, cần quy định cụ thể hơn về trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, độ tuổi, cơ cấu thành phần,… Có ý kiến đề nghị nên quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH trong Luật bầu cử ĐBQH như hiện nay.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng Luật này điều chỉnh các vấn đề về tổ chức của Quốc hội nên việc quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong Luật là phù hợp. Đây không chỉ là tiêu chuẩn để cử tri xem xét, đánh giá khi bầu một người làm đại biểu Quốc hội mà các tiêu chuẩn này cần được tiếp tục duy trì, bảo đảm trong suốt nhiệm kỳ của đại biểu; là cơ sở để Quốc hội hoặc cử tri tiếp tục xem xét, nhận xét đối với từng ĐBQH trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu. 

Riêng vấn đề ĐB chuyên trách, đa số ĐB tán thành quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tăng lên 40% hoặc cao hơn. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị quy định có ít nhất 2 ĐB chuyên trách trong một Đoàn ĐBQH ở địa phương nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của ĐB ở cơ sở.

Thu Hằng (nội chính)

Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

(Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)