Báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi

22/10/2014
Thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ngày 17/10/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký trình Quốc hội Báo cáo số 418/BC-CP về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội.
 

Theo Báo cáo số 418/BC-CP của Chính phủ thì:

1. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh việc tổ chức các Phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 03 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 06 Nghị quyết trực tiếp chỉ đạo, điều hành; ban hành Kế hoạch của Chính phủ để triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị triển khai công tác pháp chế dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 01/2014). Hội nghị đã quán triệt các nhiệm vụ triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 và đề ra định hướng triển khai công tác pháp chế năm 2014. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnhthường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 01 năm báo cáo Chính phủ và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chủ động xây dựng ban hành kế hoạch, chỉ thị nhằm triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong phạm vi quản lý hoặc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoặc Chỉ thị để chỉ đạo, đôn đốc, giao trách nhiệm cho từng Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành đối với một số luật, pháp lệnh có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp hoặc có nhiều nội dung cần quy định chi tiết thi hành. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật; hoạt động góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với nhau và tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Những phản ứng chính sách của dư luận xã hội đã được các cơ quan quản lý, ban hành văn bản nghiêm túc xem xét, nghiên cứu, tiếp thu xử lý kịp thời góp phần minh bạch hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết ngày càng được tăng cường. So với thời điểm trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng văn bản được nâng lên bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản; tình trạng văn bản có nội dung gây búc xúc dư luận đã được hạn chế; tình trạng nợ chưa ban hành văn bản đã giảm đáng kể, cụ thể là:

Từ ngày 21/11/2013 đến ngày 15/10/2014: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 99/121 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, đạt 81,82%. Số nợ ban hành là 22/121 văn bản (08 nghị định, 12 thông tư, 02 thông tư liên tịch), chiếm 18,18%; giảm 31 văn bản so với thời điểm Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và giảm 80 văn bản so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013). Trong đó một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng nợ chưa ban hành văn bản như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ  Ngoại giao, Thanh tra chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, ban hành kịp thời các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong các quy định của pháp luật và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo số 418/BC-CP cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết:

- Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết dẫn đến một số trường hợp luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, nhưng còn có quy định chưa được áp dụng do phải chờ văn bản quy định chi tiết; văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, thiếu tính khả thi, gây phản ứng trong dư luận xã hội làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

- Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn chậm ban hành Kế hoạch, chưa chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan; chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản, đặc biệt việc bảo đảm thời gian tiến độ soạn thảo. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật tuy đã được kiện toàn một bước song vẫn còn kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp.

- Sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa pháp chế và các đơn vị chuyên môn trong quy trình soạn thảo, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản ở một số Bộ còn chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, chưa huy động được sự tham gia tích cực của pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, ban hành văn bản.

- Việc đầu tư thời gian và nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, chưa phù hợp với vị trí, vai trò, yêu cầu, tính chất phức tạp của công việc này.  

3. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian tới, Báo cáo số 418/BC- CP của Chính phủ cũng đã đề ra một số giải pháp cụ thể như:

- Thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 20/2011/QH13, Nghị quyết số 67/2013/QH13, Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội.

- Tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng; hạn chế nội dung giao quy định chi tiết và nếu có thì phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết khi trình dự án luật, pháp lệnh đồng thời, dự kiến hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh và các biện pháp bảo đảm triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Đề cao tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành và địa phương.

- Thực hiện giải pháp ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ, cơ quan ngang Bộ….

Ngoài ra, Báo cáo cũng đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân tối cao một số giải pháp nhằm tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phạm Huấn - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng chung về pháp luật