Cấp ý kiến pháp lý cho giao dịch có yếu tố nước ngoài: Góp phần nâng cao an toàn pháp lý cho phía Việt Nam

17/10/2014
Trong bối cảnh hiện nay, với xu hướng tranh chấp giữa các bên trong các giao dịch được cấp ý kiến pháp lý (YKPL) ngày một tăng, vai trò của YKPL ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức khó mà biết rõ liệu giao dịch của mình có đáp ứng đủ điều kiện để được cấp YKPL, còn cơ quan được giao nhiệm vụ là Bộ Tư pháp cũng gặp khó khăn nhất định trong đàm phán, cấp ý kiến pháp lý cho các giao dịch khi được yêu cầu. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về cấp YKPL và đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định này dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu huy động vốn

Thực hiện quy định của pháp luật hiện hành và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện việc cấp YKPL đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay, thỏa thuận phát hành trái phiếu Chính phủ, thư bảo lãnh Chính phủ. Riêng năm 2013, Bộ Tư pháp đã đàm phán gần 100 YKPL và đã cấp tổng cộng 62 YKPL. Kết quả cấp YKPL đã kịp thời đáp ứng nhu cầu huy động vốn của Bên Việt Nam cho các dự án mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao an toàn pháp lý cho các giao dịch có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, việc tranh chấp giữa các bên trong các giao dịch được cấp YKPL đang có xu hướng tăng. Qua thực tiễn giải quyết tranh chấp, YKPL là văn bản đầu tiên các bên xem xét để khẳng định tính pháp lý về các giao dịch đang tranh chấp. Vì vậy, để giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý đối với Chính phủ, các cơ quan nhà nước và Bên Việt Nam trong các giao dịch, công tác cấp YKPL cần được củng cố, tăng cường hơn nữa, đảm bảo quy định thống nhất, nhất quán trong hoạt động này. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Nghị định về cấp YKPL.

Điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là Bộ Tư pháp mạnh dạn đề xuất thu hẹp phạm vi xem xét cấp YKPL so với các quy định liên quan hiện hành. Theo đó, chỉ cấp YKPL đối với Thư bảo lãnh, Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, không tiếp tục cấp YKPL đối với các văn bản giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước không là một bên. Bộ Tư pháp lý giải, đây là các giao dịch tư giữa các tổ chức tư nhân với nhau, không nên cấp YKPL để tránh việc mở rộng trách nhiệm của Chính phủ. Hơn nữa, thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam đã phát triển hơn trước đây, nhiều công ty luật hoàn toàn đủ năng lực thực hiện chức năng tư vấn, cấp YKPL cho các giao dịch tư.

Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định mới đây dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kiến nghị giữ nguyên phạm vi cấp YKPL, còn đa số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhất trí với đề xuất trên. Cơ bản tán thành nên thu hẹp phạm vi cấp ý kiến, Thứ trưởng Ngọc đã nhấn mạnh thêm: “Theo Dự thảo Nghị định, YKPL sẽ đánh giá tính hợp pháp của các nội dung tài liệu, văn bản hay cam kết, bảo đảm của Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đưa ra và không làm thêm, bớt hoặc thay đổi các quyền, nghĩa vụ của các bên có được cơ quan nhà nước trong các giao dịch cấp YKPL”.

Minh bạch thủ tục cấp YKPL

Hiện nay, Bộ Tư pháp được các bên yêu cầu xem xét, cấp YKPL khi giao dịch đã gần như được hoàn tất, trong khi nhiều trường hợp giao dịch vẫn còn vấn đề về pháp lý khiến phía đối tác nước ngoài không yên tâm và thường đề nghị Bộ Tư pháp xác nhận những vấn đề này trong YKPL. Điều đó đặt Bộ Tư pháp vào hoàn cảnh khó khăn vì nếu không xác nhận trong YKPL thì có thể ảnh hưởng đến sự thành công của các giao dịch, nhưng nếu xác nhận thì vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Dự thảo Nghị định quy định khá chi tiết trình tự, thủ tục cấp YKPL với từng thời hạn rõ ràng, bước đầu được đại diện các Bộ, ngành đánh giá cao về sự công khai, minh bạch. Cụ thể là Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp YKPL. Trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp YKPL chưa đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức đề nghị cấp YKPL bổ sung trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Trường hợp phát hiện nội dung hồ sơ yêu cầu cấp YKPL chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ, Bộ Tư pháp gửi cho cơ quan, tổ chức đề nghị cấp YKPL các yêu cầu chỉnh lý nội dung hồ sơ trong thời hạn 15 ngày. Cơ quan, tổ chức yêu cầu có trách nhiệm nghiên cứu và chỉnh lý hồ sơ theo đề nghị của Bộ Tư pháp trong thời hạn 15 ngày, nếu cần kéo dài thời hạn thì phải có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp gia hạn. Thời hạn cấp YKPL của Bộ Tư pháp là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

                                                          Cẩm Vân

Các loại giao dịch Bộ Tư pháp xem xét, cấp ý kiến pháp lý trong thời gian qua gồm có Điều ước quốc tế về ODA và vay ưu đãi, thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ, Hợp đồng vay được Chính phủ bảo lãnh và Thư bảo lãnh Chính phủ, Thỏa thuận phát hành trái phiếu của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh và Thư bảo lãnh Chính phủ, Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ; Hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức PPP, Dự án đầu tư quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ.