Nhân dân sẽ giám sát chính quyền khi không tổ chức hội đồng nhân dân

01/10/2014
Chiều nay – 30/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) giải quyết nhiều vấn đề trong mô hình và tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Không lo thiếu giám sát

Chính phủ đề xuất hai phương án tổ chức mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính liên quan đến việc tổ chức HĐND ở một số cấp chính quyền địa phương. Cùng với phương án, giữ nguyên mô hình HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường), căn cứ Điều 111 Hiến pháp năm 2013 và kế thừa có chọn lọc kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Chính phủ đề xuất mô hình “không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường đối với địa bàn đô thị”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “quan trọng nhất là mô hình để làm cơ sở xác định các vấn đề về tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có việc tổ chức HĐND hay không tổ chức HĐND ở quận, phường”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương không tổ chức HĐND ở các đơn vị hành chính quận, phường mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường và là cơ quan đại diện của UBND thành phố, thị xã tại địa bàn quận, phường, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật này và các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền.

Trước nhiều ý kiến lo ngại, không có HĐND thì không thực hiện được chức năng đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường, Chính phủ khẳng định, “không ‘‘bỏ’’ chức năng này mà sẽ do HĐND TP, thị xã thực hiện”. Ngoài ra, còn có sự giám sát của cấp ủy đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở quận, phường và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân đối với UBND quận, phường nơi không tổ chức HĐND. Song ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng – An ninh thắc mắc “sao không chọn phương án chỉ không tổ chức HĐND ở cấp huyện (cấp trung gian) và giữ nguyên ở cấp xã” vì thực tế, cấp trung gian không quyết được gì nhiều.

Chính quyền đô thị phải khác chính quyền nông thôn

Nhấn mạnh, “cần đa dạng hóa mô hình tổ chức, không thể tổ chức chính quyền địa phương một cách bình quân, giống nhau ở tất cả các địa bàn”, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế vẫn lưu ý, “đã là cấp chính quyền thì phải có đủ HĐND và UBND” nên cần phân định cấp chính quyền và hình thức chính quyền trong tổ chức chính quyền ở các địa bàn. Quan tâm đến những vấn đề sẽ phát sinh liên quan đến các cơ quan khác ở địa phương khi không có HĐND, bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, “ở những nơi không có HĐND thì ai tình nguyện, ai bầu Chủ tịch UBND, giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền và các cơ quan tư pháp ở địa phương như thế nào… đều cần phải lường hết để qui định cho đủ”.

Ủy ban pháp luật thấy rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, phải đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần làm rõ các khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”, để từ đó xác định được ở những loại đơn vị hành chính nào thì tổ chức “cấp chính quyền địa phương” (gồm HĐND và UBND) và ở đơn vị hành chính nào không tổ chức cấp chính quyền địa phương bởi “đã là cấp chính quyền địa phương thì phải có HĐND và UBND, không thể có “tay dài, tay ngắn” thay thế được mới đảm bảo được nguyên tắc “tập trung dân chủ” của tổ chức chính quyền của nước ta”.

                                                              Huy Anh

Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách: “Quốc hội đã quyết dự toán thu, chi nhưng về địa phương triển khai thường quyết dự toán thu cao hơn rất nhiều. Thực tế, tình trạng phụ thu diễn ra phức tạp, các loại quỹ, các khoản đóng góp rất tùy tiện, nếu mở như dự thảo Luật thì chính quyền địa phương được quyết thu tùy tiện nhiều khoản. Không giải quyết ngay trong dự thảo Luật này thì sẽ “tắc”.