Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động: Doanh nghiệp đang thích tự xử lý chứ ít báo cáo

01/10/2014
Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, dẫn đến chết người, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao (khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện...), nhưng số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2% do không đảm bảo thời hạn điều tra trong khi đó việc xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) gần như không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn các vi phạm.

Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có 27.878 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp trong tổng số 28 bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Trong năm 2013, tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, loại V) chiếm 10 % tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ. Nhưng nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định về ATVSLĐ chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước một phần cũng do trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% doanh nghiệp bị thanh tra “sờ gáy” về việc thực hiện pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng. Vì vậy, sửa đổi Luật ATVSLĐ lần này, Chính phủ đề nghị bổ sung thêm thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ cấp huyện

Có thanh tra để doanh nghiệp không được tự xử lý

UBTVQH bày tỏ lo ngại về số vụ và số người chết do tai nạn lao động, số người bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng trong thời gian qua, nên đặc biệt quan tâm đến các giải pháp có thể phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm điều kiện ATVSLĐ cho người lao động trong dự thảo Luật ATVSLĐ (sửa đổi) được Chính phủ trình UBTVQH chiều qua (25/9). Theo đề xuất của Chính phủ, bổ sung, làm rõ lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương, cấp tỉnh cấp huyện là cần thiết để ngăn chặn những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, những hành vi “đối phó” và che dấu các sự cố về ATVSLĐ.

Hiện cả nước có hơn 450 thanh tra viên trong ngành LĐTB&XH, trong đó số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ chỉ có khoảng 150 người nên tỷ lệ các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hàng năm thấp, dẫn đến nhiều sự cố mất ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp mà cơ quan quản lý nhà nước không biết do doanh nghiệp không báo cáo. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, xử lý các vấn đề về ATVSLĐ cực kỳ khó khăn nên cần phải có quy định thanh tra ATVSLĐ vẫn có ý kiến cho rằng, không thành lập thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ ở cấp huyện để phù hợp với Luật thanh tra.

Ủng hộ việc có thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn băn khoăn sẽ làm “phân tán lực lượng thanh tra” vì trong lĩnh vực LĐTB&XH có nhiều ngành. Còn ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc còn lo ngại bị tăng biến chế lực lượng thanh tra. Tuy nhiên, “nếu lo tăng biên chế mà không tổ chức thanh tra ATVSLĐ thì không đảm bảo được quản lý Nhà nước bởi doanh nghiệp có xu hướng tự xử lý khi xảy ra sự cố về ATVSLĐ chứ ít khi báo cáo” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH làm rõ. Hơn nữa, Chính phủ không đề xuất thành lập hẳn một bộ phận thanh tra ATVSLĐ ở cấp huyện mà chỉ tăng cường thêm cán bộ cho phòng LĐTB&XH để phụ trách công tác ATVSLĐ.

Cơ bản không phản đối việc cần thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, “ở đâu, ngành, lĩnh vực nào cũng có thanh tra nhưng giờ thanh tra Bộ không tổ chức các lực lượng thanh tra chuyên biệt mà chỉ giao cho Phòng LĐTB&XH cấp huyện làm nhiệm vụ thanh tra thì phải tính đến các điều kiện đảm bảo tính khả thi của qui định này. Đồng thời, cần gia cố dự thảo về các chế tài. Nếu thiếu chế tài luật khó đi vào cuộc sống”.

Không bỏ quên người lao động tự do

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng mà dự thảo Luật hướng tới là thiết kế các chính sách ATVSLĐ cho nhóm lao động ở khu vực không có quan hệ lao động vì hiện có khoảng 67% người lao động đang làm việc trong khu vực này. Nhưng để giảm thiểu rủi ro cho người lao động ở khu vực này khi gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, dự thảo Luật cần qui định Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với hình thức tự nguyện trên cơ sở qui định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước, đối tượng được hỗ trợ và lộ trình thực hiện.

Đồng thời để đảm bảo tính khả thi của chính sách này, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ khi làm việc trong các lĩnh vực có nguy xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao hoặc lĩnh vực có ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của cộng đồng./.

                                                     Hương Hương