Tham dự Tọa đàm có gần 100 doanh nghiệp, luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. PGS-TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình 585; TS. Luật sư Nguyễn Đình Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban đào tạo, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa và bà Đinh Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Khánh Hòa cùng đồng chủ trì Tọa đàm.
Theo số liệu thống kê năm 2014 của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa có gần 6.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời gian qua (tang gần 4000 doanh nghiệp trong gần 8 năm qua từ năm 2006 có 2.112 doanh nghiệp), trong đó có đến 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Tham luận tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Khánh Hòa cho biết, Trong bối cảnh hiện nay,các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như năng lực cạnh tranh yếu, thực thi pháp luật hạn chế, ít được tiếp cận với thông tin pháp luật, nhất là thông tin pháp luật của Trung ương và các quy định pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản, khi vướng mắc pháp luật doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ không biết thực hiện như thế nào.
Tại hội nghị, đại diện đơn vị chủ trì hoạt động Chương trình 585 của Bộ Tư pháp đã giới thiệu và trao đổi các nội dung chính của việc xây dựng và thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2013, Chương trình 585 đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như: Quảng Bình, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk thu hút 535 người tham dự.
Tại Hội nghị tổ chức ngày 20/9/2014 tại Khánh Hòa, các đại biểu cũng phân tích cơ sở thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... trong triển khai hoạt động thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hệ thống mạng lưới của Việt Nam hiện nay đang được quản lý, vận hành tương tự như mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên, qua phân tích của các địa biểu tham gia Hội nghị cho thấy, mô hình của ta cần tiếp tục được hoàn thiện thông qua việc đề xuất một số giải pháp vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động này như sau:
Một là, sau khi kết thúc giai đoạn 2010-2014 của Chương trình 585, trên cơ sở giai đoạn thực hiện từ năm 2015 đến 2020, đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu thực tiễn nhu cầu và kinh nghiệm thế giới về hoàn thiện mô hình tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn theo hướng hình thành mạng lưới luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật chuyên tư vấn cho doanh nghiệp thông qua bộ phận chuyên trách, địa chỉ chính thống về hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước do Bộ Tư pháp bảo trợ.
Ngoài ra, để góp phần tổ chức và hoạt động hiệu quả mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần triển khai sớm việc xây dựng Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp thương mại và xây dựng quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.
Hai là, thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa cho thấy, nhu cầu cần được hỗ trợ tư vấn pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương này là rất lớn, vì vậy, để tạo sự gắn kết với các tỉnh khác liền kề, đề nghị Nhà nước mở rộng đối tượng thụ hưởng của hoạt động, không chỉ giới hạn phạm vi tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn mà chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp “siêu nhỏ”.
Ba là, thực tế tại Khánh Hòa cho thấy, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại trong kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, kinh phí ngân sách dành cho hoạt động này hiện nay là không tương xứng, không đảm bảo hiệu quả khi thuê chuyên gia tư vấn giỏi, có kinh nghiệm (theo khung giá nhà nước hiện hành là 20.000đ/giờ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp). Vì vậy, đề nghị Nhà nước cân đối nguồn tài chính phù hợp cho hoạt động này.
Bốn là, đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài như ở Khánh Hòa rất nhiều nhưng gặp khó khăn về chính sách pháp luật, cần có biện pháp hỗ trợ trực tiếp thông qua việc cử chuyên gia tư vấn các quy định về quản trị doanh nghiệp, xây dựng chính sách điều hành nội bộ doanh nghiệp, cung cấp thông tin pháp lý về thị trường đầu tư các nước là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông thủy sản ở Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh miền Trung Việt Nam nói chung có thể thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu nông thủy sản ra nước ngoài thu ngoại tệ về cho đất nước, tránh các trường hợp đau lòng như dưa hấu, thanh long, nhãn lồng, tôm, cá,… được mùa nhưng mất giá như thời gian qua.