Phải xóa bỏ tình trạng “khép kín” khi hỏi cung

12/09/2014
Các vụ án oan, sai, điển hình là vụ án oan gây chấn động dư luận thời gian gần đây của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã làm rấy lên những bức xúc, lo ngại về tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra hình sự.

Tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm qua (11/9), các cơ quan tiến hành tố tụng đều thừa nhận, tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là hiện tượng bức cung, dùng nhục hình vẫn xảy ra. Vì vậy, tìm giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình là vấn đề quan trọng để đảm bảo quyền con người trong quá trình điều tra, nhất là trong việc sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) sắp tới.

Bức cung, dùng nhục hình vì hỏi cung “khép kín”

TANDTC cho rằng, hiện tượng bức cung, dùng nhục hình tuy không phải là phổ biến nhưng hậu quả là rất nghiêm trọng vì không chỉ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, công ăn việc làm của người bị oan mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng tộc của họ; xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động tư pháp, ảnh hưởng tới niềm tin của quần chúng nhân  dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thời gian qua cho thấy, có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung nhưng không đưa được chứng cứ chứng minh nên thường không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng cho biết, việc tố giác về bức cung, dùng nhục hình của người bị tạm giữ, tạm giam khó thực hiện, việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bức cung, dùng nhục hình còn hạn chế, hoạt động điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ, chứng minh tội phạm người thực hiện tội phạm trong các vụ việc bức cung, dùng nhục hình gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra trong địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín, ít có nhân chứng, thường xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố, xảy ra trong thời gian dài nhưng VKSND chưa có cơ chế để VKSND thực hiện quyền kiểm sát.

Các cơ quan tiến hành tố tụng viện dẫn lý do, trong những năm gần đây, mỗi năm, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý trên dưới 100.000 vụ pháp luật hình sự. Việc đấu tranh, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo để xử lý nghiêm minh trước pháp luật là công việc rất khó khăn, vất vả, thậm chí có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của những người thi hành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số cán bộ điều tra chấp hành chưa nghiêm túc qui chế làm việc, qui trình công tác và các qui định của pháp luật, nóng vội, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp nên khó tránh khỏi việc dùng nhục hình, bức cung. Song theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, trong những vụ án có bức cung, nhục hình thì nguyên nhân chính là sự xa rời các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, thiếu sự hiện diện của người bào chữa và có những vụ việc còn gây khó khăn, cản ngại quyền hành nghề của luật sư.

Cán bộ làm qua loa thì khó chấm dứt bức cung, nhục hình

Theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong, “quan trọng vẫn là ý thức tuân thủ của điều tra viên chứ “làm cho nhanh, qua loa, vì động cơ cá nhân” thì khó có thể chấm dứt bức cung, nhục hình. Nên để khắc phục và chấn chỉnh, chống bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh đến giải pháp giáo dục bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, dùng nhục hình, mớm cung…

Cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người trong “cuộc chiến” chống bức cung, dùng nhục hình, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng “bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng điều tra viên, kiểm sát viên cần phải gắn với việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp” vì nơi nào VKS làm tốt công tác kiểm sát điều tra thì giảm được bức cung, nhục hình.

Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thống nhất nhận định, một trong các nguyên nhân để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra là do thiếu “bên thứ ba” ngoài điều tra viên và người bị hỏi cung (người bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo, bị can) trong quá trình hỏi cung. Ở đây “bên thứ ba” chính là luật sư, người bào chữa nhưng vì nhiều nguyên nhân, thực tế, rất ít luật sư được tham dự hết các cuộc hỏi cung của thân chủ. Nên các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, việc sửa đổi BLTTHS, bộ luật hình sự sắp tới sẽ cung cấp được nhiều giải pháp quan trọng để đảm bảo yêu cầu phòng, chống loại tội bức cung, dùng nhục hình.

Theo đó, Liên đoàn luật sư Việt Nam và cả các cơ quan tiến hành tố tụng cùng kiến nghị sửa đổi BLTTHS theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. “Người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng, bỏ qui định về giấy chứng nhận người bào chữa vì về bản chất quyền được nhờ luật sư, người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng tính hình thức” – ông Nguyễn Hải Phong – Phó  Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh.

Đồng thời, tăng mức hình phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình, thay vì biện pháp chứng minh bằng lời khai như hiện nay bằng qui định chứng minh bằng dấu vết, vật chứng; trường hợp bị cáo khai tại phiên tòa bị bức cung, dùng nhục hình thì TA có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu để chứng minh… là những giải pháp được TANDTC, VKSNDTC đưa ra để hạn chế xảy ra các hành vi bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra.

Đặc biệt, một giải pháp được đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng và ĐBQH tập trung kiến nghị là luật hóa việc trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại, lắp đặt hệ thống camera và ghi âm tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam để giám sát hoạt động lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam, lấy lời khai của người bị hại, người  làm chứng… để bảo đảm kết quả điều tra khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. “Trước mắt, có thể công nhận quyền được ghi âm, ghi hình của luật sư, bị can, bị cáo để hỗ trợ cho công tác điều tra và góp phần hạn chế hành vi dùng nhục hình, bức cung khi hỏi cung, lấy lời khai” – bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị./.

Hương Giang

Từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý 10 vụ/23 bị cáo phạm tội “dùng nhục hình”, không thụ lý vụ án nào về tội bức cung. Trong số các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp mà TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý thì tội dụng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: năm 2011 thụ lý 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo.

Các TAND đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 5 vụ/10 bị cáo, phúc thẩm 03 vụ/03 bị cáo về tội dùng nhục hình. Nhưng 90% bị cáo bị xét xử về tội dụng nhục hình không bị phạt tù giam, mà chỉ áp dụng án treo và cải tạo không giam giữ.

Cơ quan điều tra VKSNDTC đã giải quyết 36 tố giác, tin báo về tội phạm về tội bức cung, dùng nhục hình, trong đó quyết khởi tố vụ án đối 13 tin báo, tố giác, thụ lý điều tra 13 vụ/19 bị can nguyên là cán bộ, điều tra viên về tội dùng nhục hình, 02 bị can bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Dù bức cung và dùng nhục hình có liên quan đến nhau nhưng trong 3 năm qua, không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung vì “trên thực tế, việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh” - ông Nguyễn Sơn -  Phó Chánh án TANDTC.

Ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng VKSNDTC: “Qua điều tra cho thấy, có hành vi dùng nhục hình trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn và chưa phát hiện có hành vi bức cung. Tuy nhiên, nhưng người thực hiện hành vi dùng nhục hình đối với ông Chấn đã chết nên không xử lý được”.