Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể tại Luật đầu tư (sửa đổi) các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật, cũng như đảm bảo quyền “Tự do kinh doanh đối với những ngành nghề pháp luật không cấm”; “quyền kinh doanh chỉ hạn chế bởi luật” theo đúng tinh thần của Hiến pháp mới như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên làm việc của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng qua (9/9).
"Phát quang" danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc có điều kiện
Trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết hoặc không rõ mục tiêu quản lý nhà nước, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư, chuyển một số điều kiện đầu tư kinh doanh từ hình thức cấp giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện và áp dụng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ, xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, một số ĐBQH hoạt động chuyên trách vẫn thấy băn khoăn với cách thể hiện của Điều 4 dự thảo Luật vì có những điểm trùng giữa Luật này với luật khác như quy định cấm “mua, bán người và các bộ phận cơ thể người” thì Luật Hiến, cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã quy định; hay mâu thuẫn như cấm “kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người, trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, cấm "kinh doanh mại dâm" trong khi chưa công nhận đây là một nghề...
Không nên qui định chung chung
Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, các qui định này là "linh hồn" của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) nên nếu qui định theo kiểu "có trường hợp ngoại lệ" như “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng” hay quy định “chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” sẽ không có tác dụng, thậm chí gây khó hiểu và có thể bị lợi dụng trong quá trình thi hành. Thậm chí, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) cho rằng, qui định như vậy là "không nghiêm" khi qui định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay cấm kinh doanh.
Từ nhận định, "quyền lớn nhất của con người là quyền dân chủ, quyền dân chủ lớn nhất của con người là quyền tự do làm ăn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu "ngoài quy định ở dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) thì không ai được quy định điều cấm nữa vì nếu không cẩn thận thì sẽ khiến “hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới” như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng nhận xét. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến chuyện quản lý, chế tài trong việc thực hiện các qui định này vì "nếu không làm kỹ thì sẽ buông lỏng, Quốc hội, Chính phủ buông lỏng còn thanh tra, kiểm tra thì dựa vào đó làm ăn”./.
Huy Anh
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện nay, toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Các điều kiện kinh doanh được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như giấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định, giấy đăng ký, chấp thuận... Phần lớn các điều kiện kinh doanh được quy định dưới hình thức Giấy phép hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đây là loại điều kiện kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp phép, cấp chứng nhận