Cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể hôm qua (19/8), Ủy ban Pháp luật và các chuyên gia đặc biệt đều muốn các đề xuất trong dự thảo Luật phải thể hiện được mục tiêu “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo và phát triển đất nước” như trong dự thảo Tờ trình về dự án Luật TCCP (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày đã đề cập.
Chính phủ còn phải lo từng “cái kim sợi chỉ”?
GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, quy định lĩnh vực hoạt động của Chính phủ như hiện hành thì Chính phủ “càng dập khuôn”, không thể sợ không quy định cụ thể thì Chính phủ lộng quyền, lạm quyền vì còn sự kiểm soát của Quốc hội, cơ quan tư pháp. Nhưng ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn, luật sửa đổi lần này “đã xác định được mối quan hệ giữa cá nhân Thủ tướng, các Bộ trưởng với tập thể Chính phủ, đã phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ Chính phủ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương hay Chính phủ vẫn phải lo từng “cái kim sợi chỉ” cho nhân dân?”.
Theo Nhóm nghiên cứu, Hiến pháp đã xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và mối quan hệ với các thiết chế khác trong việc thực hiện các quyền lập, hành, tư pháp. Do đó, đề nghị quy định chức năng của Chính phủ theo hướng cụ thể hóa về cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Không quy định cơ quan thuộc Chính phủ vào cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cần nghiên cứu, xem xét để có quy định hợp lý với nguyên tắc bất kỳ lĩnh vực nào cũng có sự quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thuận – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị “phải luật hóa cơ cấu tổ chức Chính có bao nhiêu Bộ, chức năng gì” để không còn sự chồng chéo, tốn kém và thiếu hiệu quả như hiện nay. Với quy định như vậy, các Bộ sẽ thực hiện các chức năng được luật định, tránh tình trạng “cái gì cũng trình Thủ tướng” – ông Thuận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, chưa nên quy định “cứng” số Bộ trong cơ cấu Chính phủ trong Luật này vì đang trong quá trình chuyển đổi sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Điều ông nghi ngại nhất là giao luôn chức năng quản lý cho cơ quan thuộc Chính phủ mà không quy định nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp trong dự thảo Luật và phải xem xét tính toán việc thành lập các cơ quan cung cấp dịch vụ công, không nên để tình trạng có đến khoảng 200 các ủy ban, ban chỉ đạo “làm loãng, giảm vai trò quản lý nhà nước của Bộ, ngành về lĩnh vực” – ông Phúc đề nghị.
Có cần Bộ trưởng “không Bộ”?
Một trong những đề xuất làm dự thảo có điểm mới so với Luật hiện hành là quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác (Bộ trưởng “không Bộ”), là thành viên Chính phủ, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề, những lĩnh vực công tác nhất định chưa phân công cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Một số lĩnh vực công tác do Bộ trưởng phụ trách do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đề xuất này không nhận được sự tán thành của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật. Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy, quy định này “thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn vì theo Hiến pháp, phải xác định được ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước thì mới xác định có Bộ trưởng nên không quy định về chức danh “Bộ trưởng “không Bộ” trong Hiến pháp. Đây cũng lý do để ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại về việc giải thích Hiến pháp như thế nào nếu quy định chức danh Bộ trưởng “không Bộ” dù ủng hộ đề xuất này của Bộ Nội vụ.
Quan trọng là theo nhóm nghiên cứu, bộ máy nhà nước đang được thiết kế theo mô hình quản lý đa ngành đa lĩnh vực. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các lĩnh vực của xã hội đã được dự liệu, nếu phát sinh những vấn đề mới thì cũng chỉ là lĩnh vực đặc thù của những lĩnh vực đã được xác định, có thể gắn cho một Bộ, ngành nhất định. Như vậy về thực tiễn không thể có lĩnh vực nào mà không có Bộ, ngành quản lý. Hơn nữa, nếu quy định về chức danh Bộ trưởng “không Bộ” thì sẽ không đúng tinh thần tinh gọn bộ máy. Đó cũng là cách nhìn nhận vấn đề của ông Nguyễn Văn Thuận. “Không thể có chức danh Bộ trưởng “không Bộ” khi duy trì mô hình hành pháp, Chính phủ tập thể như hiện nay. Với mô hình quản lý nhà nước “đa ngành, đa lĩnh vực”, Bộ trưởng quyết hết thì làm gì còn lĩnh vực nào để có Bộ trưởng “không Bộ”?” – ông Thuận nói.
Nhưng GS.Phạm Hồng Thái - Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng, yếu tố “quan trọng nhất của Chính phủ là các Bộ trưởng, còn Bộ chỉ là bộ máy giúp việc cho Bộ trưởng nên có thể có Bộ trưởng “không Bộ” nhưng không nhiều” và lưu ý xóa bỏ nhận thức “đánh đồng” giữa khái niệm “Bộ trưởng” với vấn đề “phụ cấp” để không nhầm lẫn chức năng giữa thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Bộ trưởng vì chỉ có Bộ trưởng mới thực hiện chức năng quản lý nhà nước”./.
Huy Anh
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Bộ trưởng” vào trước các chức danh người đứng đầu các cơ quan ngang Bộ để thống nhất cách hiểu về các chức danh của người đứng đầu các cơ quan ngang Bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách gọi như vậy không phù hợp với tên gọi các chức danh của các cơ quan ngang Bộ, quy định tại các luật chuyên ngành về chức danh người đứng đầu cơ quan ngang Bộ. |