Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL được xây dựng để từng bước cải thiện hệ thống pháp luật “phức tạp nhất thế giới” hiện nay ở nước ta, khắc phục tình trạng luật “ống”, luật “khung”, việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, không kịp thời làm chậm hiệu lực của luật, cũng như việc xây dựng luật theo kiểu “vừa thiết kế vừa thi công” khiến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước gặp nhiều bất cập khi thực thi pháp luật.
Ngăn chặn được “lợi ích nhóm”
Ủy ban Pháp luật cũng rất quan tâm đến khả năng dự thảo Luật Ban hành VBQPPL ngăn chặn được “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng pháp luật và tình trạng “làm khó” Quốc hội bởi những dự án luật có nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, theo đề xuất của Chính phủ, dự thảo Luật sẽ đơn giản được hệ thống VBQPPL, tách khâu hoạch định chính sách với xây dựng pháp luật, đặt nặng trách nhiệm cho giai đoạn làm chính sách trước khi xây dựng pháp luật. Với chủ trương này, sẽ thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật có vai trò là cơ quan thẩm định các chính sách, nội dung của từng đề nghị xây dựng luật, pháp luật.
Đề xuất được đánh giá là góp phần hạn chế “lợi ích nhóm” và việc ban hành VBQPPL không thực sự phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi do không đủ điều kiện triển khai… Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần cân nhắc việc thành lập Hội đồng trong điều kiện phân định rạch ròi trách nhiệm các bộ, ngành, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy và cho rằng, nên giao nhiệm vụ thẩm định này cho Bộ Tư pháp hoặc Văn phòng Chính phủ.
“Không trình nếu dự thảo không tiếp thu ý kiến thẩm định” - ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mạnh mẽ kiến nghị như vậy vì “lâu nay việc thẩm định dự án luật không hiệu quả khi ý kiến thẩm định nhiều khi chỉ được trình như một ý kiến bảo lưu trong hồ sơ dự án luật”. Bên cạnh đó, ông Cương cũng phản ánh tình trạng vi phạm thời hạn trình dự án luật, pháp lệnh để thẩm định, thẩm tra làm ảnh hưởng đến kết quả thẩm định, thẩm tra, thậm chí làm cho việc thẩm định, thẩm tra trở nên hình thức “làm cho xong để kịp trình Quốc hội”. Theo Nhóm nghiên cứu, để khắc phục tình trạng chậm trình hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, đề nghị bổ sung quy định cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định phải từ chối thẩm tra, thẩm định trong trường hợp hồ sơ dự án gửi không đúng thời hạn.
Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên soạn thảo VBQPPL
Dự thảo Luật đề xuất không bắt buộc thành lập ban soạn thảo các dự án luật, pháp luật vì thực tế, hoạt động của nhiều ban soạn thảo chưa hiệu quả. Nhưng theo một số thành viên Ủy ban Pháp luật, điều đó phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của các thành viên Ban soạn thảo, là hạn chế của khâu tổ chức, chứ bản thân hoạt động của ban soạn thảo với đại diện của nhiều cơ quan khác nhau sẽ làm cho quá trình xây dựng pháp luật dân chủ hơn, khách quan hơn, chất lượng hơn, tránh được tình trạng cục bộ trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Để góp phần tăng cường vai trò thực sự của ban soạn thảo, nhóm nghiên cứu đề nghị nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên soạn thảo VBQPPL. Cơ quan này sẽ thể hiện các chính sách đã được Chính phủ thông qua thành VBQPPL để bảo đảm sự thống nhất trong kỹ thuật văn bản, tăng cường chất lượng văn bản, bảo đảm tiến độ soạn thảo cũng như hạn chế được những quy định mang lợi ích nhóm trong các VBQPPL. Ông Trần Đình Long – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, phải có thiết chế độc lập để giải quyết những vấn đề còn tranh cãi trong dự án nên ban soạn thảo các dự án luật, pháp luật “phải tách khỏi cơ quan quản lý, gồm các nhà khoa học, quản lý và có tính khách quan”.
Đề cập đến thực trạng, “cơ quan chủ trì soạn thảo thường có xu hướng xây dựng dự thảo luật thuận tiện cho công tác quản lý”, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị “cần có cách xử lý, thông qua trách nhiệm “đến cùng” của ban soạn thảo và tạo điều kiện cho cơ quan trình bảo vệ ý kiến và đề nghị Quốc hội không thông qua dự án luật”./.
Huy Anh
Về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong ban hành VBQPPL, Nhóm nghiên cứu đặt đề nghị nghiên cứu trong dự thảo Luật Ban hành VBQPPL “tại sao chỉ quy định “đình chỉ việc thi hành VBQPPL” của cấp Bộ, HĐND, UBND có nội dung trái Hiến pháp và pháp luật? Trường hợp phát hiện văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn như văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ… có nội dung trái Hiến pháp và pháp luật thì có xử lý không? |