Luật Tổ chức quốc hội (TCQH) được sửa đổi lần này nhằm đáp ứng những yêu cầu mới được Hiến pháp 2013 đặt ra cho tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước. Cũng chính vì thế, dự thảo Luật TCQH (sửa đổi) có rất nhiều nội dung “nóng” thu hút những ý kiến tranh luận ngay tại buổi làm việc sáng 15/8 của UBTVQH để cho ý kiến về dự thảo Luật này sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Tiêu chuẩn quan trọng là sự tín nhiệm
Dự thảo Luật đã dành 1 chương (22 điều) để quy định về ĐBQH, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo chưa làm rõ vai trò của đại biểu; cơ chế hoạt động của ĐBQH còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng ĐBQH chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể… Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, một trong những trách nhiệm của ĐBQH được Hiến pháp quy định là “phải giúp dân thực hiện khiếu nại, tố cáo” nhưng trong dự thảo chưa thể hiện được nên cần bổ sung.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để bảo đảm tính độc lập cho ĐBQH, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu, cũng như thể hiện rõ tinh thần “tiêu chuẩn quan trọng nhất của ĐBQH là phải được cử tri tín nhiệm, tin tưởng, bầu vào Quốc hội để có thể phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề về năng lực, trình độ của ĐBQH có thể được cải thiện thông qua việc các cơ quan, tổ chức, địa phương cần chủ động sàng lọc, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình”.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị quy định về ĐBQH trong dự thảo Luật TCQH (sửa đổi) cần được chỉnh lý theo hướng tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40% để dần chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, còn việc tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương hay ở địa phương sẽ tùy thuộc vào công tác bố trí nhân sự và yêu cầu thực tế của từng khóa Quốc hội, do đó, đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật.
Cần phân định rõ tính chất hoạt động của ĐBQH là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách, thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, các quyền của ĐBQH đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội,..
Đồng thời, quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho ĐBQH hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho ĐBQH, chẳng hạn, ĐBQH hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp trách nhiệm hàng tháng theo thang bảng lương của ĐBQH; ĐBQH được hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu.
Cần có chức danh Tổng thư ký Quốc hội
Mặc dù còn có ý kiến không nhất thiết phải bầu trong số các ĐBQH, đề nghị không nên quy định chức danh Tổng thư ký mà tiếp tục duy trì mô hình Văn phòng Quốc hội hiện nay vì Hiến pháp không quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội và mô hình Văn phòng Quốc hội như hiện nay đang hoạt động tương đối ổn định, nhưng đa số cho rằng, cần lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội với các quy định rõ vai trò của Tổng thư ký cho phù hợp hơn với mô hình tổ chức của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo Luật trình Quốc hội đã lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Để bảo đảm tính liên thông, gắn kết và không phân tán nguồn lực, dự thảo Luật thiết kế theo hướng Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là người đứng đầu bộ máy giúp việc Quốc hội là Văn phòng Quốc hội. Quy định này nhận được sự tán thành của nhiều ủy viên UBTVQH. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, quy định rõ Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để rõ nhiệm vụ chức năng vừa là Tổng Thư ký khi diễn ra các kỳ họp Quốc hội vừa là Thủ trưởng cơ quan giúp việc của Quốc hội là Văn phòng Quốc hội. Cơ bản đồng tình, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị giao cho chức danh Tổng thư ký nhiệm vụ thư ký của UBTVQH để “hoạt động thường xuyên”.
Hương Hương
Khoản 6 điều 10 dự thảo Luật TCQH (sửa đổi) quy định, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Nhiều ý kiến tán thành vì cho rằng, việc tuyên thệ khi nhậm chức nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước Nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu. Chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và trong dự thảo Luật TCQH (sửa đổi) chỉ thể chế hóa nội dung này. |